Ký tên ở đúng vị trí 'Người mang hộ chiếu' là yêu cầu bắt buộc của nơi cấp trước khi hộ chiếu được đưa vào sử dụng.
Trả lời độc giả về việc ký nhầm tên trên hộ chiếu, đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, cho hay công dân Việt Nam sau khi nhận được hộ chiếu được cấp mới hoặc gia hạn, cần kiểm tra để đảm bảo các thông tin chính xác và phải đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu của cơ quan cấp phát hộ chiếu và chữ ký người mang hộ chiếu.
Hộ chiếu phổ thông mẫu mới không được ký và đóng dấu như hộ chiếu cũ bìa màu xanh lá mà tất cả các thông tin về cơ quan cấp, người ký hộ chiếu được thể hiện bằng chữ ký số. Hộ chiếu mới có tính bảo mật cao, khó làm giả nên giúp cho công tác quản lý xuất nhập cảnh được chặt chẽ hơn.
Ký tên trên hộ chiếu là yêu cầu của đơn vị cấp hộ chiếu trước khi hộ chiếu được đưa vào sử dụng. Người được cấp hộ chiếu phải ký tên, có trách nhiệm giữ gìn và bảo quản hộ chiếu, khi mất phải khai báo ngay với cơ quan công an nơi xảy ra sự việc và với cơ quan đã cấp hộ chiếu (nếu ở trong nước) hoặc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam nơi gần nhất (nếu ở nước ngoài).
Không được tẩy xóa, viết thêm, sửa đổi những nội dung ghi trong hộ chiếu, không ký tên và không tự ghi vào phần "chức danh của người mang hộ chiếu", không được cho người khác sử dụng hộ chiếu của mình.
Theo Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (Luật Xuất nhập cảnh), hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Theo vnexpress.net