Năm 2019, Hà Nam ghi dấu ấn khi tổng lượt khách và doanh thu trong lĩnh vực du lịch tăng trưởng một cách ngoạn mục: tổng lượng khách đạt 2.895.600 lượt người, doanh thu đạt 716 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về du lịch mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Dựa trên kết quả năm 2019, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2020 sẽ đón khoảng 3.100.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 đầu năm 2020 đã khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, Hà Nam không ngoại lệ khi 6 tháng đầu năm 2020 lượng khách du lịch mới đạt trên 32%, doanh thu du lịch đạt 26% kế hoạch năm.
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã nằm trong tầm kiểm soát, nhiều ngày không có người mắc trong cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong khi các đường bay quốc tế chưa mở lại, Bộ VH,TT&DL đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” hướng đến khai thác nguồn khách du lịch trong nước, “giải cứu” cho ngành du lịch. Hưởng ứng chương trình này, Sở VH,TT&DL Hà Nam đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp kích cầu, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nam; phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị, địa phương tích cực, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch triển khai đa dạng, sáng tạo các hoạt động kích cầu du lịch. Sở cũng chỉ đạo Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động, khuyến khích các thành viên tham gia các gói kích cầu du lịch, phối hợp với hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố làm cầu nối, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước phát triển các tua tuyến du lịch. Khai trương Văn phòng Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch, phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc tổ chức lễ phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”…
Tại lễ phát động diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Sau thời gian triển khai xây dựng, đến nay tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 5 khu, điểm du lịch trọng điểm, gồm: Khu du lịch Tam Chúc; khu trung tâm lễ hội thuộc quần thể Di tích Lịch sử văn hóa đền Trần Thương; điểm du lịch nhân văn nhà văn, liệt sĩ Nam Cao; điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang và điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Bà Vũ. Nhiều điểm trong số này đã bắt đầu thu hút được lượng du khách đông đảo, tạo sức bật quan trọng cho du lịch Hà Nam. Một số tuyến tua nội tỉnh, ngoại tỉnh cũng được khai thác, phục vụ khách du lịch như tua tâm linh, kết nối các điểm tâm linh nổi tiếng giữa Hà Nội - Hà Nam - Nam Định–Thái Bình – Ninh Bình...
Cũng trong khuôn khổ lễ phát động, lần đầu tiên, sau nhiều lần xúc tiến, quảng bá, khảo sát, tham quan, tìm hiểu điểm đến, Hiệp hội Du lịch Hà Nam, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh đã cùng với Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và Công ty CP Dịch vụ và du lịch hy vọng chính thức ký cam kết hỗ trợ cung cấp thông tin và dịch vụ nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Hà Nam.
Tham gia lễ phát động và ký kết, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã tổ chức đoàn Famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) với sự tham gia của 100 đại biểu là doanh nghiệp lữ hành, phóng viên các cơ quan báo, đài đã thực sự quảng bá cho du lịch Hà Nam. Tuy nhiên, để Hà Nam thu hút khách du lịch và kích cầu hiệu quả, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, Hà Nam cần xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ và có chủ đề ấn tượng về điểm đến mới với các sản phẩm và các chính sách cụ thể. Quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, như: Tiktok, Facebook, Youtube, Instagram… bằng cách mời các nhân vật nổi tiếng trải nghiệm các sản phẩm du lịch. Giảm giá vé thắng cảnh, giá dịch vụ từ 50 – 100% theo từng giai đoạn, có chính sách áp dụng giá riêng cho doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Hà Nam. Kêu gọi và định hướng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm đến liên kết giảm giá đồng bộ, không chỉ giữ nguyên chất lượng mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ vững niềm tin của du khách cũng như các doanh nghiệp lữ hành. Định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tổ chức các chương trình du lịch đặc biệt đến Khu du lịch tâm linh Tam Chúc, du lịch thiền yoga, du lịch dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe… Kết nối Khu du lịch Tam Chúc với các chương trình du lịch khác trong tỉnh, như: Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao – nhà Bá Kiến – làng Vũ Đại, đền Trần Thương, chùa Bà Đanh, Bát Cảnh Sơn, làng nghề trống Đọi Tam, mây tre đan… Đại diện các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng cho rằng, về liên kết thu hút khách nội địa, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình có thể phối hợp khai thác trục văn hóa du lịch tâm linh chùa Hương – Khu du lịch Tam Chúc – Khu danh thắng Tràng An.
Hưởng ứng lễ phát động và thực hiện chương trình kích cầu du lịch trong tình hình mới, bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ truyền thông của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc cho biết: Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra đến nay, chúng tôi đã liên tục vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm xây dựng điểm đến an toàn cho du khách. Tận dụng thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm kinh doanh, mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn và các dịch vụ tiện ích như các gói dịch vụ vận chuyển: dịch vụ du thuyền, tiệc trà du thuyền; các gói dịch vụ ẩm thực; gói lưu trú tại khách sạn Hương Lan đạt tiêu chuẩn 3 sao tọa lạc trong khuôn viên Khu du lịch Tam Chúc. Sau giãn cách xã hội, du khách đến với Tam Chúc tuy không bằng cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực khi Tam Chúc vẫn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình đến với Hà Nam…
Đã có cơ sở để du lịch Hà Nam phát triển. Tuy nhiên, để kích cầu du lịch hiệu quả, rất cần ngành văn hóa có sự phối hợp quản lý các hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, văn phòng đại diện và vận chuyển du khách. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, khởi động lại cuộc thi sáng tác logo và slogan cho du lịch Hà Nam.
Chu Bình