kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Khu tâm linh Tam Chúc - Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới

Khu tâm linh Tam Chúc - Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới

Khu tâm linh Tam Chúc (huyện Kim Bảng) hiện đang dần hoàn thiện với kiến trúc cổ truyền Việt Nam hòa trộn mảng màu văn hóa qua kỹ nghệ chế tác phù điêu, xây dựng các công trình Phật giáo của các nghệ nhân Indonesia và Ấn Độ. Và nơi đây năm 2019 được chọn làm địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc.

Ảnh: Thế Tuân

Câu chuyện từ những bức tranh đá núi lửa

Quần thể khu du lịch tâm linh Tam Chúc hiện tại gồm có Tháp Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, vườn cột kinh và cổng tam quan. Những ngôi điện đều được xây theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ. Nhưng điểm khác biệt  là các ngôi điện thờ có diện tích rất rộng, đều từ 3.000 – 5.400m2, cao từ trên 30 – 39m; các bức tượng được thờ ở đây đều bằng đồng nguyên khối nặng từ 85 – 150 tấn.

Và điểm nhấn hấp dẫn cho du khách khi đến với khu tâm linh chùa Tam Chúc chính là 12.000 bức tranh bằng đá núi lửa miêu tả các sự tích của đức Phật do các nghệ nhân Indonesia tạo tác được ghép trên toàn bộ bề mặt tường phía trong cả 3 ngôi đại điện. Được khai thác từ núi lửa đã ngừng hoạt động, màu của đá núi lửa như màu cháy của gạch nung già lửa, làm cho những bức tranh vẻ trầm mặc, cổ kính. Đá núi lửa có độ xốp, không quá nặng thuận lợi khi chế tác các họa tiết, chi tiết phức tạp và tinh xảo. Ngược lại vật liệu này lại rất rắn chắc và bền mãi với thời gian.

Du khách chiêm ngưỡng những bức tranh đá núi lửa tại Điện Tam Thế. Ảnh: Bình Chu

Điện Tam Thế là tòa đại điện lớn nhất. Bước qua hàng cửa gỗ chạm lộng tinh xảo, phía trước là ba pho Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai (chưa đến thuộc về tương lai). Trên các bức tường của điện Tam Thế là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn – chốn bồng lai tiên cảnh, nơi ẩn chứa những vẻ đẹp chân, thiện, mỹ mà con người hằng mong ước.

Mỗi bức tường của điện Tam Thế mang một chủ điểm được sắp xếp rất khoa học. Bước vào cửa điện, đi một vòng từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ những câu chuyện sẽ dần dần được tái hiện. Bức tranh đầu tiên bên trái là Bánh xe Pháp Luân với đủ các cảnh giới theo triết lý Phật giáo. Trung tâm là hình ảnh ngọn lửa Tam muội – như nhắc nhở con người hãy tránh xa Tham – Sân – Si, xung quanh là hình ảnh 6 cõi luân hồi: Cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục. Tiếp đến là hình ảnh ở cõi Niết Bàn: Mùa màng tốt tươi, con người vui vẻ đẹp đẽ, những buổi nhạc hội ở Thiên đường… Niết Bàn là cõi của những vị Phạm Thiên Đế Thích rất thanh tịnh và an lạc, bức tranh thể hiện các vị ngoảnh mặt trước những cám dỗ đời thường.

Ba bức tranh khổng lồ với diện tích mỗi bức hàng trăm mét vuông ở chính giữa lưng điện Tam Thế là những hình ảnh đức Phật thuyết pháp, đức Phật ngồi thiền, phía trên là các thiên thần, các tiên nữ đàn ca múa hát rất sinh động. Các bức tranh bên phải tường của Điện Tam Thế chia thành 3 khu vực: Một số bức tranh nói về công đức và sự thần thông của Bồ Tát Phổ Hiền khi ngài phóng sinh động vật, bố thí thóc gạo, nước uống cho người đói khát; một bức tranh khác nói về sự thần thông và từ bi của Bồ Tát Di Lặc khi ngài hiện thân là Bích Chi Phật thuyết pháp cho Hộ Pháp, cứu rỗi những người lầm lỡ, phóng thích tù nhân khỏi địa ngục, cứu đoàn thương nhân đắm tàu; bức tranh cuối cùng nói về sự cao siêu vô lượng của đức Phật khi tất cả các vị thần, các vị Bồ Tát mười phương đều cung kính trước đức Phật.

Điểm nhấn trong điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu khổng lồ bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn. Ngắm những bức phù điêu này trong không gian trầm mặc, tĩnh lặng của ngôi đại điện ta như thấy đức Phật hiển linh, hình ảnh ấy, cảm xúc ấy hòa quyện với cảnh sắc trời mây non nước nơi đây sẽ mang đến nhiều điều thi vị cho du khách khi đến với Tam Chúc.

Điện Quan Âm là một kho tàng phong phú với những tích chuyện cổ vô cùng sâu sắc về tấm lòng từ bi, nhân hậu của đức Phật cứu độ chúng sinh, thể hiện qua các lần ứng thân của đức Phật khi Ngài đã trải qua vô số kiếp luân hồi. Khi thì Ngài hiện thân thành chú voi hy sinh thân mình nhảy xuống vách núi để  làm thức ăn cho dân làng đói phía dưới; có khi hiện thân thành chú thỏ sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu người Bà-la-môn khỏi chết đói trong rừng; khi là một vị vua từ bi sẵn sàng xẻ thịt cánh tay mình để cho quạ ăn thịt cứu bầy chim sẻ…

Bên cạnh những bức tranh kể các câu chuyện cổ còn có bức tranh kể về sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát rất gần gũi với người dân Việt Nam. Trung tâm của các bức tranh là tượng khắc nổi của Phật Quan Âm với hình ảnh quen thuộc trong các ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Phật Tích, Chùa Hương: Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Quá Hải và Quan Âm Tống Tử. Đây là 4 bức tranh đặc biệt được tạo tác trên nền phong cảnh thiên nhiên đẹp như thơ của Tràng An và Tam Chúc.

Ngoài 3 đại điện được xây dựng theo triền núi thoải dần xuống thì trên đỉnh núi Thất Tinh còn tọa lạc ngôi Tháp Ngọc. Ngôi tháp có chiều cao 15m được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ. Điều đặc biệt để ghép các phiến đá này, các nghệ nhân Ấn Độ không dùng bất cứ một loại vật liệu kết dính nào. Tháp có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn. Tại Tháp Ngọc, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường còn dự định sẽ đặt tại đây 7 viên đá thiên thạch mà ông vừa đấu giá mua được.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, người phụ trách truyền thông tại Tam Chúc, 7 viên thiên thạch này có nguồn gốc từ Mặt Trăng đã rơi xuống trái đất cách đây khoảng 1.000 năm trước, được các nhà khoa học tìm thấy tại Nam Phi. 7 viên đá này khi ghép lại sẽ thành một viên đá hoàn chỉnh. Đây sẽ là điều thú vị và độc đáo cho ngôi Tháp Ngọc. Để chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật này du khách phải qua 299 bậc đá lên tháp.

Đình Tam Chúc trong Khu du lịch Tam Chúc (Kim Bảng). Ảnh: Lương Thế

Cổng Tam quan nội trước bến thuyền Tam Chúc cũng được xây theo lối kiến trúc cổ truyền, có 3 tầng mái cong. Tại cổng Tam quan điều đặc biệt đầu tiên du khách tiếp cận là chiếc vạc bằng đồng đen. Chiếc vạc rất lớn được đúc phỏng theo vạc Phổ Minh – một trong An Nam tứ đại khí - xung quang vạc có các hình ảnh được chạm khắc như: Quần thể chùa Bái Đính; bến thuyền Tràng An - Ninh Bình; quần thể chùa Tam Chúc; hành cung Vũ Liêm nhà Trần 1285; Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An - Ninh Bình; chùa Song Tử Tây trên quần đảo Trường Sa – Khánh Hòa; bức tượng khắc nổi và tiểu sử của Thiền sư Nguyễn Minh Không – vị sư tổ đầu tiên chùa Bái Đính.

Bước qua cổng Tam quan đồ sộ, chiêm ngưỡng chiếc vạc khổng lồ, trước mắt du khách sẽ là vườn cột kinh rộng lớn. Đây là ý tưởng doanh nghiệp lấy từ cột kinh Phật - Bảo vật quốc gia tại chùa Nhất Trụ - Ninh Bình. Khoảng sân từ Tam quan tới điện Quan Âm, giai đoạn đầu vườn cột kinh sẽ có 32 cột kinh được dựng tại đây. Các cột kinh đều được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, cao 13,5m, rộng khoảng 2m, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn. Đế cột là khối đá tròn được tạo hình cánh sen xung quanh, phía trên phần thân cột là một đấu cột hình lục giác, phía trên đấu cột là một bát đỡ một nụ sen. Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và cuộc sống phồn vinh.

Tháp Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh.

Chiếc vạc đồng sẽ được đặt tại cổng tam quan nội. Ảnh: Bình Nguyên

Điểm nhấn hấp dẫn tại Đại lễ Vesak năm 2019

Với vẻ đẹp nghệ thuật và cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ độc đáo Khu du lịch Tam Chúc được chọn làm địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (LHQ) 2019. Đại lễ Vesak thường diễn ra vào ngày trăng tròn tháng 5 hằng năm nhằm kỷ niệm ngày đức Phật Đản sinh, thành Đạo và nhập Niết Bàn. Đại lễ Vesak 2019 diễn ra với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” từ ngày 10 – 14/5/2019 tại Khu du lịch Tam Chúc. Hiện nay, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiếp tục hoàn thành các công trình tâm linh, trung tâm tổ chức hội nghị Vesak cùng một số công trình phụ trợ khác và cam kết hoàn thành trước ngày 30/4/2019.

Ủy ban tổ chức quốc gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Đại lễ Vesak LHQ 2019 cũng đã ban hành Đề án tổng thể về Đại lễ. Đại lễ dự kiến sẽ đón khoảng 1.500 đại biểu quốc tế đến từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng khoảng 10.000 đại biểu trong nước và phật tử. Ngày đầu tiên của Đại lễ 10/5 tại Tam Chúc sẽ diễn ra lễ khai mạc Hội chợ văn hóa Phật giáo; chiều ngày 11/5 khai trương triển lãm Panorama (ảnh chụp 3 chiều), mỹ thuật Phật giáo Việt Nam và thế giới, diễu hành xe hoa từ thành phố Phủ Lý về chùa Tam Chúc; ngày 12/5 khai mạc Đại lễ có nghi thức tắm tượng Phật, trồng cây lưu niệm, giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế, khóa lễ tụng kinh và cầu nguyện của các đoàn Phật giáo; ngày 13/5 hội thảo chuyên đề nhóm, lễ hội hoa đăng; ngày 14/5 bế mạc Đại lễ ra tuyên bố chung Vesak 2019.

GHPGVN cũng đề xuất UBND tỉnh Hà Nam tham gia chỉ đạo công tác tổ chức, công tác trang trí pano, khẩu hiệu tại tỉnh, hỗ trợ công tác an ninh, phân luồng giao thông và chỉ đạo các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn bố trí lực lượng sinh viên tình nguyện cho lễ thắp nến vì hòa bình, thịnh vượng đêm 13/5.

Sự kiện Việt Nam đăng cai Đại lễ chính là khẳng định với quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống tôn giáo của nhân dân; khẳng định truyền thống lịch sử giá trị nhân bản của Phật giáo - một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc; khẳng định vai trò của GHPGVN trong hội nhập quốc tế và cũng là thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với LHQ. Đại lễ cũng là dịp Việt Nam giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử văn hóa Phật giáo với các đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ; phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự hợp tác phát triển toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Khu du lịch quốc gia Tam Chúc của tỉnh Hà Nam. 

Chu Bình

Chu Bình, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy