Năm 2022, Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn (thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục), còn gọi là Khu lưu niệm Cát Tường được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch của Hà Nam. Đây là điểm di tích lịch sử văn hóa được tỉnh Hà Nam tôn tạo, xây dựng hơn 10 năm qua nhằm tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ với Đảng bộ, quân và dân Hà Nam và ghi dấu sự kiện Người về thăm, nói chuyện động viên cán bộ, nhân dân Hà Nam chống hạn (14/1/1958). Để khu lưu niệm thực sự là điểm du lịch hấp dẫn du khách, là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam, rất cần đáp ứng những nhân tố cơ bản của một điểm đến du lịch.
Sau khi được đầu tư xây dựng và tôn tạo nhiều hạng mục trên diện tích 6.845 m2, Khu lưu niệm Cát Tường đã trở thành một công trình văn hóa lịch sử khang trang, đẹp đẽ, cách quốc lộ 21A chừng hơn một cây số. Con đường từ quốc lộ vào điểm du lịch này khá đẹp với hai hàng cây tỏa bóng mát, xanh rượi quanh năm. Trong nhà lưu niệm, hàng nghìn cuốn sách, hiện vật, tư liệu về Bác Hồ được trưng bày và lưu giữ cẩn thận. Vì thế, 5 năm trở lại đây, Khu lưu niệm Cát Tường luôn là địa chỉ đỏ thu hút các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên và học sinh đến tham quan, tìm hiểu.
Bà Trần Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Bình Lục cho biết: “Mỗi năm, khu lưu niệm đón hàng nghìn lượt khách tham quan. Lượng khách ngày một tăng vì đây là điểm di tích thuận lợi về giao thông, được xây dựng khá đẹp, trong đó khu nhà tưởng niệm mang kiến trúc truyền thống, gần gũi với đời sống và văn hóa của nhân dân. Tại đây, huyện đã bố trí người trực mở cửa, thuyết minh theo nhu cầu của du khách. Với một số lượng sách, báo, tư liệu khá dày dặn được trưng bày và lưu giữ tại đây, tôi tin du khách khi đến thăm sẽ có điều kiện để tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về di tích, về Bác Hồ và tình cảm của Đảng bộ, quân và dân Hà Nam đã dành cho Người bao nhiêu năm qua”.
Cách khu lưu niệm này không xa, du khách trong hành trình về thăm Bình Lục có thể đến khu Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến (xã Trung Lương, huyện Bình Lục). Đây cũng là di tích văn hóa lịch sử được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cùng thời điểm với Khu lưu niệm Cát Tường.
Ông Nguyễn Tiến Thắng, phường Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khi về thăm Từ đường Nguyễn Khuyến chia sẻ: “Chúng tôi năm nào cũng về đây vào dịp đầu xuân để tưởng nhớ ngày mất của cụ. Từ đây, anh em sẽ đi tham quan thêm một số điểm di tích khác của Bình Lục, trong đó có Khu lưu niệm Cát Tường. Quả thực, khu lưu niệm đã được tôn tạo, xây dựng khá đẹp. Cây cầu tre bắc qua sông Sắt ngày xưa bây giờ trở thành kỷ niệm với rất nhiều người, dẫu bên cạnh nó đã được xây một cây cầu xi măng cốt thép”.
Đứng bên cây cầu, ngắm nhìn dòng sông êm đềm trôi, du khách luôn có một cảm giác yên bình, tĩnh tại. Xung quanh là cánh đồng lúa. Mọi sự đổi thay ở nông thôn vẫn chưa làm mất đi những nét quê đượm buồn của đồng đất chiêm trũng từng đi vào thơ ca Nguyễn Khuyến. Đó là thứ níu chân những người đến thăm Khu lưu niệm Cát Tường.
Thế nhưng, trên thực tế, sau 2 năm được công nhận là điểm du lịch của tỉnh, Khu lưu niệm Cát Tường vẫn chỉ vỏn vẹn đón trên – dưới 2.000 lượt khách mỗi năm. Con số quá nhỏ so với một điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn một ngày đón khách như chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Ninh Tảo…
Ông Hoàng Minh Tân, một chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và là thành viên của Hiệp hội Du lịch Hà Nam cho rằng, điểm du lịch này còn thiếu nhiều yếu tố tạo thành điểm du lịch hấp dẫn như cơ sở hạ tầng và các tiện nghi phục vụ du khách chưa hoàn thiện; công tác tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch chưa tới; sự đầu tư cho du lịch ở điểm di tích này đối với địa phương còn hạn chế rất nhiều…
Được biết, mỗi năm, tiền công đức của khách tham quan khu di tích chỉ thu được gần chục triệu. Huyện Bình Lục vẫn phải hỗ trợ một khoản ngân sách khoảng 200 triệu đồng/năm dùng chi phí tiền công thuê bảo vệ, trông coi di tích và hướng dẫn viên; đèn dầu, hoa nến… Nguồn thu không có nên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, các dịch vụ và sản phẩm du lịch tại chỗ gặp khó khăn. Nhiều du khách đến tham quan khu di tích này cho rằng, nếu quyết tâm xây dựng nơi đây thành điểm đến du lịch cần có sự quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ hơn trên các nền tảng công nghệ hiện đại. Hằng năm, giao cho địa phương tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi, gợi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm Cát Tường để nâng cao giá trị di tích. Quan trọng hơn cả, phải hoàn thiện được bộ máy quản lý di tích hoạt động chuyên nghiệp; mở rộng liên kết hoạt động du lịch với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Con đường từ quốc lộ 21A đi vào di tích cần được mở rộng, cắm biển chỉ dẫn, thu hút du khách hơn.
Nói tóm lại, những nhà quản lý văn hóa, du lịch địa phương cần nhạy bén và năng động hơn trong việc khai thác, phát huy giá trị của di tích để Khu lưu niệm Cát Tường trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Tại điểm du lịch này, nhiều sản phẩm du lịch được khai thác, mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân địa phương hoặc nhà đầu tư du lịch. Những sự kiện văn hóa, thể thao lớn của huyện nên tổ chức tại đây nhằm giúp cho du khách có dịp tìm hiểu, tiếp cận lâu hơn, sâu hơn những gì được lưu giữ ở di tích này.
Chu Uyên