Không phải lạp xưởng gác bếp, không phải măng sặt, xôi ngũ sắc, chỉ là những món ăn nhẹ, ăn chơi nhưng chứa đựng trong đó là hương vị đậm đà của núi rừng và cả tính cách thật thà, chất phác, cởi mở của người vùng cao núi đá Hà Giang.
THẮNG DỀN ĐỒNG VĂN
Sau một ngày vượt qua cung đường hiểm trở nhất vùng Đông Bắc, mải mê với những cánh đồng hoa tam giác mạch, đặt chân đến cực Bắc Tổ quốc dưới chân cột cờ Lũng Cú chúng tôi dừng chân nghỉ tại thị trấn Đồng Văn.
Hòa mình vào đêm thị trấn miền sơn cước, dạo bước phố cổ khám phá những khác lạ. Hầu như những ngôi nhà cổ ở đây đều tận dụng mặt phố để bán một món ẩm thực mang phong cách riêng có của Đồng Văn, đó là thắng dền.
Khác hẳn với món thắng cố béo ngậy dậy mùi các loại gia vị, món thắng dền thanh khiết, thơm mềm và nóng ấm. Nhìn những viên bột nếp tròn xinh trắng bóc thơm thoảng mùi gừng khiến chúng tôi ai cũng muốn thử một lần món ẩm thực này.
Món thắng dền Hà Giang.
Thắng dền là một món ăn chơi, giống như các loại măng, ngô, khoai nướng bày bán rất nhiều ở chợ Đồng Văn và trên các dãy phố thị trấn.
Món thắng dền thoạt nhìn khá giống món bánh trôi Tàu hay bánh trôi chay dưới xuôi. Những viên thắng dền được làm từ gạo nếp nương. Chọn loại gạo mẩy tròn, đều hạt đem ngâm nước qua đêm. Vớt gạo ra vo sạch rồi đem xay thành bột nước. Bột đựng trong khăn hoặc túi vải được ép bằng vật nặng cho ra bớt nước. Khoảng hai, ba giờ đồng hồ bột đặc lại là được. Khối bột đó lại phải dùng tay nhào thật kỹ thì khi bánh được luộc lên ăn mới mềm và dẻo. Những viên thắng dền chỉ to cỡ đầu ngón tay cái, nhìn xa cứ như những viên kẹo trứng chim, trắng bóng.
Thắng dền hoặc ăn chay hoặc có nhân đều ngon. Nhân thắng dền thường là lạc hoặc các loại đỗ. Những viên thắng dền bao giờ cũng được nặn sẵn, bày trên khay khi có khách ăn mới đem cho vào nồi nước luộc. Bánh chín nổi lên được vớt ngay ra bát chan nước dùng rắc thêm ít lạc, vừng rang giã nhỏ là có món ăn vừa tinh khiết, vừa ngọt bùi lại quyện mùi gừng thơm lừng phần nào xua tan cái lạnh núi đá.
Nước dùng cho món thắng dền là nước đường hoa mai nấu cùng gừng đập dập. Nước được đựng trong phích hoặc ấm ủ kín nên khi ăn món ăn nóng hổi quyện vị gừng sẻ - giống gừng củ nhỏ, cay, thơm rất kích thích vị giác người thưởng thức.
Những viên thắng dền ngậm nước mềm, ngọt, dẻo, thơm khiến nhiều người không chỉ ăn một bát. Món thắng dền còn đặc biệt chỉ bán vào những buổi tối mùa đông. Cũng phải, bởi nơi trùng điệp núi đá, gió hun hút thổi, không khí lạnh giá, xam xám một màu sương bảng lảng thì có lẽ chỉ món ăn này mới đúng điệu.
CHÁO ẤU TẨU PHỐ NÚI
Cháo ấu tẩu.
Cũng giống như thắng dền, chỉ khi trời tối, cái rét núi đá sâu hơn, các quán cháo ấu tẩu nơi phố núi mới được mở bán. Cháo ấu tẩu Hà Giang được bán nhiều ở thành phố. Củ ấu tẩu được xếp vào danh mục thuốc độc nhưng đồng thời cũng là một vị thuốc quý đứng trong "tứ đại danh dược": sâm, nhung, quế, phụ (củ ấu tẩu còn được gọi là phụ tử). Người dân nơi đây cho biết cháo ấu tẩu có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa các chứng phong hàn, chân tay nhức mỏi, tê buốt.
Cháo ấu tẩu ban đầu được biết đến như một món cháo giải cảm của người Mông nhưng rồi sau nhiều người dân cho thêm một số gia vị phát triển thành món cháo đặc sản của Hà Giang. Cháo gồm có củ ấu tẩu, móng giò lợn, gạo tẻ pha thêm ít gạo nếp cho sánh dẻo. Muốn loại bỏ độc dược của củ ấu tẩu, phải ngâm kỹ củ ấu tẩu trong nước vo gạo một đêm, sau đó đem rửa sạch rồi cho lên bếp ninh ít nhất 4 - 5 giờ đồng hồ cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột sền sệt. Chọn gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương nấu lẫn cùng bột củ ấu và nước ninh chân giò.
Bát cháo ấu tẩu nóng hổi mang màu nâu sậm có thêm thịt nạc băm nhỏ, ruốc hay lòng đỏ trứng gà đập vào tùy khẩu vị khách hàng. Bát cháo còn có thêm gia vị là các loại rau thơm như hành, rau mùi và đặc biệt là tía tô tăng thêm khả năng giữ ấm cho cơ thể, tránh cảm cúm. Cháo khi ăn có vị đắng của củ ấu tẩu nhưng vị đắng chỉ thoảng qua và tan nhanh, đọng lại là mùi thơm của gạo nương, độ ngậy của nước ninh xương và miếng móng giò mềm sụn cùng vị đậm đà của thịt băm nhỏ sẽ tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.
Lên Hà Giang không ngắm hoa tam giác mạch và không thưởng thức cháo ấu tẩu là chưa lên cao nguyên đá - một đồng nghiệp Báo Hà Giang đã nói với tôi như vậy.
Chu Bình
Chu Bình