'Hội chứng Paris' là gì khiến du khách buồn nôn và bị ảo giác?

Thủ đô của Pháp được mệnh danh "kinh đô ánh sáng". Tuy nhiên, bất chấp một Paris lịch lãm, giàu có về lịch sử văn hóa, một số khách du lịch lại gặp phải "hội chứng Paris", với triệu chứng buồn nôn và bị ảo giác.

Hội chứng Paris là gì khiến du khách buồn nôn và bị ảo giác
Quán cà phê ở Paris - Ảnh: LIMITLESS SECRETS

Chính xác, hội chứng Paris là gì? Ai có xu hướng bị ảnh hưởng bởi nó, và tại sao?

Mặc dù không được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM), hội chứng Paris được nhiều chuyên gia quốc tế công nhận là một hiện tượng có thật, dù không nhiều.

Theo ông Mathieu Deflem - giáo sư xã hội học tại Đại học South Carolina (USC-Mỹ), hội chứng Paris "phổ biến nhất ở khách du lịch Nhật Bản".

Vậy tại sao người Nhật lại dễ mắc bệnh như vậy?

Bà Rodanthi Tzanelli, giáo sư văn hóa - xã hội học tại Đại học Leeds ở Anh, nói với trang tin Live Science, trong lịch sử, Nhật Bản có một hệ thống tín ngưỡng và quỹ đạo phát triển hoàn toàn khác với các nơi ở châu Âu. Những khác biệt văn hóa này, cũng như những kỳ vọng về một Paris lãng mạn có thể không được đáp ứng - điều trên giải thích tại sao du khách Nhật Bản có nguy cơ cao mắc hội chứng Paris.

Hội chứng Paris nên được coi là một dạng sốc văn hóa cực đoan. Đó là sự kết hợp giữa kỳ vọng từ văn hóa Nhật Bản và thực tế của Paris, ông Deflem nói.

Ông cũng lưu ý, văn hóa Nhật Bản có một cái nhìn hơi lãng mạn hóa về phương Tây, đặc biệt là châu Âu. Điều này phần lớn phụ thuộc vào cách hình ảnh của Paris được vẽ ra trong các bộ phim "Amélie" (2001), "Before Sunset" (2004) và "An American in Paris" (1954).

Bên cạnh đó, những cuốn sách như "A Night at the Majestic" (2006), "The Ladies 'Delight" (1883) và "A Moveable Feast" (1964) - có xu hướng tập trung vào nghệ thuật, văn hóa cà phê, nhà hàng cổ kính và cuộc trò chuyện thân mật, thông minh. Ông cho rằng những kỳ vọng này "không thực tế, đặc biệt là ở Paris, nơi không nổi tiếng hiếu khách".

Thật vậy, một nghiên cứu năm 2014 được thực hiện bởi tạp chí Condé Nast Traveler đã xếp Paris ở vị trí thứ 4 trong hạng mục thành phố không thân thiện. Bên cạnh đó, một nghiên cứu năm 2020 của tạp chí CEOWORLD gán cho Paris danh hiệu "thành phố thô lỗ nhất châu Âu". Cuộc khảo sát năm 2021 của InterNations, một tổ chức chuyên hỗ trợ người dân tái định cư, kết luận Paris là thành phố ít thân thiện với người nước ngoài, đứng hạng 3 ở châu Âu.

Hội chứng Paris là gì khiến du khách buồn nôn và bị ảo giác
Bảo tàng Louvre về đêm - Ảnh: GET YOUR GUIDE

Trong văn hóa đại chúng, "Paris hôm nay không còn là nước Pháp ngày xưa nữa", ông Deflem nói.

Ngoài ra, ông Deflem nhấn mạnh: "Như Nhật Bản chẳng hạn, đất nước này có một nền văn hóa rất trật tự và lịch sự". Trong khi đó, người Paris đôi khi hay coi thường ngay cả những người Pháp không sống ngay tại Paris

Liệu du khách đến các thành phố khác, chẳng hạn như Vienna, New York hoặc Bắc Kinh, có bị trải nghiệm cảm giác tương tự "hội chứng Paris" hay không?

Bà Tzanelli cho rằng hội chứng Paris có thể không đặc trưng cho thủ đô nước Pháp. Thay vào đó, bà xem đó là "một hiện tượng tâm linh rất phức tạp, liên quan đến sự thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, khi thực tế không phù hợp với mong đợi của du khách về sự lãng mạn của Paris".

TT

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy