Du lịch là một trong những ngành đang phục hồi và là động lực cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nam. Nếu như trong quý I/2023, hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ thì đến quý II, thị trường có phần chững lại khi doanh thu ở lĩnh vực này giảm đáng kể so với 3 tháng đầu năm.
Quý I/2023, ngành dịch vụ du lịch đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành đạt 122,2 tỷ đồng, tăng gần 53 lần so với cùng quý năm 2022. Tuy nhiên, quý II/2023, doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 93,4 tỷ đồng, giảm 23,6% so với quý I và giảm 11,1% so với cùng quý năm 2022. Trong đó, riêng trong tháng 6, doanh thu du lịch, lữ hành ước đạt 24,3 tỷ đồng, giảm 25,9% so với tháng trước, bằng 51,1% so với cùng tháng năm trước.
Số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng cho thấy, trong quý II/2023, không chỉ lượng khách sử dụng dịch vụ du lịch để đi tham quan, du lịch trong nước và quốc tế giảm mà lượng khách du lịch đến Hà Nam cũng giảm mạnh so với quý I. Nếu như quý I/2023, tỉnh đón gần 2,7 triệu lượt khách thì quý II/2023, lượng khách du lịch đến Hà Nam chỉ đạt trên 700.000 lượt khách.
Trước thực tế trên, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp cũng đã chú trọng nghiên cứu, làm mới các tua, tuyến du lịch để tạo sự mới mẻ, thu hút khách hàng. Cùng với đó, tăng cường sự hợp tác, liên kết hỗ trợ nhau về xe, đội ngũ hướng dẫn viên… để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt với giá dịch vụ cạnh tranh nhất.
Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại du lịch Đào Hồng, Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, so với cùng kỳ năm 2022, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty trong quý II năm nay giảm trên 30%. Trong đó, giảm mạnh nhất là lượng khách đặt vé máy bay du lịch các điểm du lịch nổi tiếng trong nước và du lịch quốc tế. Ngoài ra, lượng khách đặt tua du lịch các điểm có kinh phí cao, như: Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt cũng giảm mạnh. Phần lớn khách hàng của Đào Hồng trong những tháng gần đây là các gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học cho nhân viên, học sinh, người lao động đi tham quan, nghỉ mát tại một số điểm gần Hà Nội, phổ biến nhất là biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)...
Nguyên nhân được doanh nghiệp lý giải là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng từ nền kinh tế thế giới khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, thu nhập của người lao động sụt giảm nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết, trong đó có nhu cầu du lịch. Để phục hồi, phát triển sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, Đào Hồng đã nỗ lực đầu tư mua mới, nâng cao chất lượng xe; tăng cường tập huấn, tuyển chọn đội ngũ hướng dẫn viên có kinh nghiệm làm việc; linh hoạt trong việc thiết kế các tua, tuyến du lịch để phù hợp với từng đối tượng khách hàng; chủ động tìm hiểu, kết nối với các khách sạn, nhà hàng uy tín tại từng điểm du lịch nhằm mang đến cho khách hàng giá dịch vụ hợp lý nhất. Ngoài lĩnh vực đặt vé máy bay, cho thuê xe du lịch và phục vụ khách hàng hợp đồng du lịch theo tour, mới đây, Đào Hồng còn phát triển thêm lĩnh vực dịch vụ nhà hàng để phục vụ khách du lịch đến Hà Nam.
Ông Đào Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Đào Hồng cho biết: Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang khiến người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khi đến các điểm du lịch, họ luôn mong muốn được sử dụng dịch vụ chất lượng với giá cả phải chăng. Do vậy, bên cạnh giải pháp về nâng cao chất lượng xe, thiết kế tua du lịch hợp lý, đáp ứng mong muốn của khách hàng, Đào Hồng còn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực nhà hàng để khách du lịch khi đến tỉnh có thể thưởng thức những món ăn đặc sản của Hà Nam với giá cả bình dân nhất.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng, công tác quản lý nhà nước về du lịch, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch Hà Nam cũng được quan tâm, triển khai kịp thời, hiệu quả. Ông Tạ Đình Quyền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong việc quảng bá hình ảnh du lịch của Hà Nam tại các lễ hội, sự kiện lớn của tỉnh. Cùng với đó, thường xuyên có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành nâng cao chất lượng phục vụ. Hằng năm, sở đều tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên lữ hành, tổ chức lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch; tổ chức các hội nghị giới thiệu điểm đến và hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lữ hành tiến hành khảo sát, xây dựng tour, tuyến du lịch phục vụ khách tham quan, như Khu Du lịch chùa Tam Chúc, chùa Bà Đanh (Kim Bảng); đền Trần Thương, Khu Di tích tưởng niệm Nhà văn - Nhà báo Liệt sĩ Nam Cao (Lý Nhân); đền Lảnh Giang, làng dệt lụa Nha Xá (thị xã Duy Tiên); chùa Ninh Tảo, chùa Phật Quang, chùa Địa Tạng Phi Lai (Thanh Liêm)…
Thực tế cho thấy, mặc dù du lịch đã và đang có chiều hướng phục hồi nhưng doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn gặp nhiều khó khăn; nhất là vào các dịp cao điểm, giá một số dịch vụ có sự biến động lớn. Vì vậy, doanh nghiệp lữ hành khá bị động trong việc xây dựng các tour, tuyến với chính sách giá hợp lý. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch hiện nay cũng chưa được phục hồi. Một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn… đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự do nhân sự trước đây làm du lịch giờ đã chuyển sang ngành nghề mới và chưa sẵn sàng quay trở lại vì đã tìm được việc tốt hơn. Khó chồng khó, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng và bị kiệt quệ bởi đại dịch Covid -19, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành rất mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh và đầu tư phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.
Nguyễn Oanh