Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP đang được Trung ương, các địa phương xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động này, nhiều ý kiến góp ý tâm huyết được đưa ra tại diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP" vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quan hệ "hữu cơ" sản phẩm OCOP với du lịch
Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh cho biết: Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP ra đời từ năm 2018 đến nay đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, nhất là các giá trị văn hóa vùng miền.
Nhiều sản phẩm OCOP có vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, góp phần thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.
Ông Phương Đình Anh cho rằng, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ "hữu cơ". Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.
Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Thị Phương Lan cho biết: Nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng cây gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng chúng ta cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn.
Theo bà Ngô Thị Phương Lan, phát triển du lịch nông nghiệp là giải pháp bền vững, giúp nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình; đồng thời, gắn thêm được tiêu thụ nông đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP. Liên quan tới nông nghiệp, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có hơn 90 đề tài hợp tác, trong đó hơn 50 chương trình được dành cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ góc nhìn của nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam nhận định: Sản phẩm OCOP ở Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa có tính đặc trưng. Ngành du lịch "xanh" đang phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nhưng nhỏ lẻ, manh mún và có nhiều sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP các xã, huyện.
Do đó, bà Phan Yến Ly đề xuất giải pháp "Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng", giải pháp này sẽ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh, thành phố không bị trùng lặp, nhàm chán; tránh cạnh tranh không lành mạnh; tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt.
Bà Ly lấy thí dụ về giải pháp "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" của Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp huy động nguồn lực của các địa phương trong việc khai thác tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Chương trình đã truyền cảm hứng cho người làm du lịch ở thành phố. Vì vậy, có thể lan rộng mô hình này.
Xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp
Từ góc nhìn nghiên cứu về xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp, ông Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, cần có sự phối hợp không thể tách rời giữa ngành nông nghiệp và du lịch. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu tại các điểm du lịch nông nghiệp-nông thôn. Để làm được điều này cần có chiến lược rõ ràng, trong đó xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển, các giải pháp và nguồn lực thực hiện.
Ông Phan Bảo Giang nhấn mạnh: "Thương hiệu là thứ vô hình và chỉ được nhận biết thông qua cảm nhận. Nó cần được chuyển hóa thành những thứ cụ thể, như logo, bao bì, bài hát, đại sứ thương hiệu". Trong đó, doanh nghiệp sẽ giúp phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, gây ấn tượng cho bạn bè quốc tế. Qua hợp tác với Chính phủ, địa phương và nông dân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp bền vững, lan tỏa.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Thủ tướng đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký văn bản liên tịch với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển chương trình này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn khai thác lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và là thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.
Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP là những tín hiệu đáng mừng. Để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Văn phòng Điều phối Nông thôn mới làm việc với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn.
Từ chia sẻ Việt Nam chưa có mô hình du lịch OCOP 5 sao, đồng chí Trần Thanh Nam mong muốn có thể hình thành được một bộ hồ sơ đạt chuẩn 5 sao, đồng thời cho biết sẽ sớm có một bộ tài liệu tập huấn cho các địa phương về phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Trước mắt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ dành một nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản phẩm du lịch OCOP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và triển khai văn bản đến các địa phương để đưa ra cơ chế hỗ trợ.
"Đặc biệt, đề nghị Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì cùng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các mô hình điểm du lịch có bán sản phẩm OCOP. Từ đó, kéo theo nhiều địa phương cùng tham gia", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn