Du lịch xanh và mơ ước xanh

Năm 2023, Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) tôn vinh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”, tạo niềm tin và hy vọng cho những người làm du lịch ở Hà Nam và du khách. Một trong những thay đổi lớn về tư duy và hành động trong phát triển du lịch của Hà Nam hiện nay chính là thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên và nguồn lực tạo nên những sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh; gắn bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc…

Khi nông dân làm du lịch

Những năm gần đây, nông dân thôn 5, xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) có nhiều thay đổi trong cách làm ăn. Đây là thôn có diện tích trồng hoa, rau màu lớn nhất xã. Trong tổng số 125 mẫu đất sản xuất nông nghiệp, hoa cây cảnh chiếm 100 mẫu. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phù Vân Trần Văn Tiên cho biết, 100% diện tích đất canh tác của thôn 5 đã chuyển đổi sang trồng cây hàng hóa, 290/445 hộ dân của thôn chuyên trồng rau, hoa và cây cảnh. Người dân nơi đây, ngoài việc trồng hoa, cây cảnh theo mùa vụ, còn hướng mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng.

Vợ chồng chị Trần Thị Tứ - Phạm Văn Kiên (thôn 5) đưa cây sen ngoại, sen tứ quý về ruộng trồng với dự tính sẽ phát triển thành điểm du lịch phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh quanh năm. Chị Tứ thuê lại ruộng của bà con họ hàng, làng xóm, dồn lại được gần chục mẫu, bỏ tiền mua giống hoa, học hỏi cách trồng, chăm sóc sen ngoại các loại. Hơn hai năm qua, đầm sen của vợ chồng chị đón khách, đông nhất vẫn là những ngày hè – mùa của sen. Người khắp nơi tìm về chụp ảnh kỷ yếu ở đầm sen. Mỗi lượt chị thu 50.000 đồng/khách. Ai có nhu cầu mua hoa, chị hái bán tại đầm. Du khách đến đây luôn cảm thấy thích thú với không gian hương đồng gió nội. Chị Tứ cho biết, đầm sen của chị là đầm sen lớn ở thôn 5. Du khách đến thôn 5 bây giờ không chỉ ngắm sen, mà còn có thể tham quan các vườn hoa hồng cổ, vườn hoa cảnh của nhiều hộ dân khác. Bây giờ, nông dân Phù Vân làm giàu từ đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, có của ăn của để.

Phù Vân là vùng đất tiềm năng về phát triển du lịch xanh của thành phố Phủ Lý.
Ảnh: Chu Uyên

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phù Vân Trần Văn Tiên, ở xã có Hợp tác xã (HTX) Du lịch hoa cây cảnh Phù Vân, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Giám đốc HTX là một đảng viên từng công tác trong quân đội, có tình yêu với đất đai, đam mê với nghề trồng hoa cây cảnh nên quyết tâm xây dựng mô hình. Kể từ khi HTX thành lập, tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân ở đây đã thay đổi, nhiều khu ruộng hoang hoặc chỉ sản xuất được một vụ, nay đã trở thành những bờ xôi ruộng mật. Nhiều nơi đã về Phù Vân tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nói: “Bà con đã đánh thức đất đai là một nhẽ, cái mừng nhất là nhiều người đã biết nắm bắt xu thế phát triển của xã hội, nhu cầu hưởng thụ, giải trí của nhân dân nên đã không ngại đầu tư, liên kết với nhau để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng. Họ đang nuôi ước mơ làm giàu của mình từ du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp…”.

Trong số những người tạo mở con đường du lịch xanh cho nông dân nơi đây thời gian qua là ông Lê Đức Ân, Giám đốc HTX Du lịch hoa cây cảnh Phù Vân. Ông Ân nhìn thấy tiềm năng du lịch ở vùng đất này, rất muốn đánh thức nó để thay đổi đời sống cho người dân quê hương mình. Vượt qua không ít khó khăn, sau hàng chục năm kiên trì, con đường du lịch xanh trong mơ ước của ông đang dần thành hiện thực. Ông Lê Đức Ân nói: Ở đất Hà Nam này, chúng ta có nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh. Tôi biết, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu phát triển du lịch Hà Nam trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của vùng đồng bằng sông Hồng, với tổ chức không gian lãnh thổ phát triển du lịch Hà Nam sẽ theo hai trục: Trục Bắc - Nam với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sáng tạo gắn với khoa học công nghệ; trục Đông - Tây gắn với sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch tâm linh và di tích lịch sử văn hóa. Chúng ta còn có một hệ thống làng nghề truyền thống mang những đặc trưng riêng biệt. Tôi nghĩ, những người làm du lịch Hà Nam đều thống nhất quan điểm, muốn phát triển du lịch bền vững cần phải hướng mục tiêu phát triển đó trên nền tảng khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên và nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh phục vụ tiêu dùng.

Đánh thức di sản

Chủ trương phát triển du lịch bền vững đã và đang được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với quan điểm: "Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh" đã tạo cơ sở để Hà Nam triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nam có bề dày lịch sử - văn hóa sâu bền, mang đậm bản sắc dân tộc, là tài nguyên quan trọng cho du lịch phát triển. Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tươi đẹp, con người thuần hậu, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tỉnh Hà Nam đã ưu tiên tập trung đầu tư quy hoạch không gian di tích gắn với quy hoạch các khu, các loại hình, các tuyến du lịch, xây dựng thành các tuyến liên kết các điểm du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách tham quan, đặt trong mạng lưới liên kết du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tam Chúc là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Hà Nam hiện nay.
Ảnh: Chu Nam

Đánh thức di sản là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Văn hóa để hướng mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường phối hợp cơ quan quản lý, viện nghiên cứu đầu ngành Trung ương, như: Cục Di sản văn hóa, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Khảo cổ học…, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Đồng thời, mở rộng hợp tác với cơ quan truyền thông trong nước để xây dựng chương trình giới thiệu về các di sản văn hóa tiêu biểu ở Hà Nam. Tích cực tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức thành công nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa Hà Nam.

Để cụ thể hóa sự gắn kết giữa phát triển văn hóa và du lịch, tỉnh Hà Nam đã tổ chức khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023 với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” và Chương trình giao lưu Nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023) với hàng chục sự kiện nhằm đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2023, tỉnh Hà Nam và Vietnam Airlines phối hợp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thị trường du lịch hàng không trong và ngoài nước về điểm đến, các sản phẩm dịch vụ du lịch. Hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu các sản phẩm và tuyến điểm du lịch, tổ chức các sự kiện giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch… mang tầm quốc gia và khu vực. Một số di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, như: đền Lảnh Giang, Khu lưu niệm Cát Tường, chùa Bà Đanh, đình Vĩnh Trụ, chùa Đọi Sơn… đã được Ban quản lý di tích địa phương triển khai chương trình số hóa di sản, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch dựa trên lợi thế nổi trội về thiên nhiên, văn hóa đối với Hà Nam là một trong số giải pháp phù hợp với thực tế và thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển du lịch xanh, bền vững để hướng tới mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Một trong những công cụ đưa du lịch Hà Nam hòa nhập với du lịch vùng, cả nước và quốc tế chính là công nghệ trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số. Những sản phẩm du lịch mới, như: du lịch đêm, du lịch đô thị, du lịch thể thao giải trí, du lịch golf, du lịch sự kiện được hình thành, phát triển mạnh mẽ kết hợp với các sản phẩm du lịch truyền thống, như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tại Hà Nam hiện nay tạo nên thị trường du lịch lành mạnh, hấp dẫn. Năm 2023, lượng khách đến Hà Nam tăng 38,87% so với năm 2022.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy