Du lịch Hà Nam hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

Hà Nam được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng, phong phú, lâu đời, với nhiều di tích nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử, văn hóa chùa Long Đọi Sơn; đền Lảnh Giang (thị xã Duy Tiên); chùa Bà Đanh, Ngũ động Thi Sơn (huyện Kim Bảng); đền Trần Thương, Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sĩ Nam Cao (huyện Lý Nhân); Từ đường Nguyễn Khuyến (huyện Bình Lục). Các địa danh tâm linh nổi tiếng như: chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Trinh Tiết, chùa Phật Quang, chùa Ninh Tảo, đền Lăng... Nhiều lễ hội đặc sắc được phục dựng và bảo tồn như: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ phát lương Đức Thánh Trần, Lễ hội chùa Tam Chúc, Lễ hội đền Lảnh Giang… Các làng nghề thủ công truyền thống, các hoạt động văn nghệ, thể thao dân gian như: hát Chầu văn, hát Dậm Quyển Sơn, hát Trống quân, hát Lải Lèn, vật võ Liễu Đôi…Các sản phẩm văn hóa ẩm thực như: cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, bánh cuốn chả quạt Phủ Lý, bánh đa cá rô đồng… chính là những yếu tố để Hà Nam xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn và nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Hà Nam.

Trên cơ sở nhận diện rõ những tiềm năng lợi thế của địa phương, bám sát quan điểm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch các khu, điểm du lịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 05 khu, điểm du lịch trọng điểm, đó là: Khu du lịch Tam Chúc; Điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang; Điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Bà Vũ; Khu trung tâm lễ hội thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương; Điểm du lịch nhân văn Nam Cao. Đồng thời, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch. Toàn tỉnh đã có 12 điểm du lịch được công nhận, 01 khu du lịch (Khu du lịch Tam Chúc) được đưa vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là khu du lịch quốc gia. Khu du lịch Tam Chúc sau khi chính thức đi vào hoạt động phục vụ du khách năm 2019 đã được bình chọn là “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu Việt Nam” và “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới 2023 (World Travel Awards 2023) khu vực châu Á - châu Đại Dương. Với những giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, hấp dẫn riêng có, lần đầu tiên Hà Nam được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”.

Du lịch Hà Nam hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững
Chùa Ngọc trong quần thể Khu du lịch Tam Chúc.

Các cơ sở nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng như Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Vinpearl Melia Phủ Lý, sân golf Kim Bảng, khu phức hợp thể thao tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Hà Nam hiện có gần 200 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 09 khách sạn 3 sao... với tổng số gần 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn và gần 30 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch hoạt động ổn định. Đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong các cơ sở kinh doanh du lịch ngày càng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch.

Từ kết quả triển khai tích cực, trách nhiệm của các cấp, ngành cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch đã góp phần thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển. Số lượt khách du lịch đến với Hà Nam trong những năm qua không ngừng gia tăng, bình quân mỗi năm du lịch Hà Nam tăng trưởng từ 20 đến 25%. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng năm 2022 được xem là năm đánh dấu sự trở lại và phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng. Năm 2022, Hà Nam đón khoảng 3.154.000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 2.152,5 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến ngày 30/11/2023, ngành du lịch Hà Nam phục vụ khoảng 4.250.000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 3.279 tỷ đồng.

Du lịch Hà Nam hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững
Nghi thức cày ruộng trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2023.

Tỉnh Hà Nam hiện có 1.888 di tích các loại, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 94 di tích cấp quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh; 14 di sản văn hoá phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 04 bảo vật quốc gia… Đây chính là “điểm tựa” để Hà Nam tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc thù thỏa mãn nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm của du khách; trong đó, đặc biệt, quan tâm phát triển những sản phẩm du lịch có tính nghệ thuật sáng tạo cao và có sức thu hút du khách lớn. Phát huy những lợi thế đó, Hà Nam sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí để trở thành trung tâm du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất của vùng Thủ đô Hà Nội. Chú trọng phát triển du lịch y tế, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh. Từng bước phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp dựa trên phát triển của nông nghiệp công nghệ cao; phát triển sản phẩm du lịch MICE (du lịch gắn với hội nghị, hội thảo), du lịch thể thao golf theo quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Du lịch Hà Nam hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững
Lễ hội Carnival đường phố tại phố đi bộ thành phố Phủ Lý năm 2022.

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch nhanh và bền vững trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các khu, điểm du lịch, các lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu có tiềm năng lớn trong việc định hướng khai thác phát triển du lịch, Hà Nam sẽ tích cực tham gia các hội chợ du lịch, các đoàn khảo sát, giới thiệu điểm đến du lịch, phát hành các ấn phẩm giới thiệu về các khu, điểm du lịch, quản lý và khai thác hiệu quả Website du lịch Hà Nam; Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam song song với đó tỉnh chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí có quy mô và chất lượng cao để nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, giữ chân du khách ở lại với Hà Nam. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức các hoạt động du lịch mới phù hợp với điều kiện thực tế, thời điểm tổ chức gắn với các ngày nghỉ lễ, ngày kỷ niệm của địa phương, đất nước để tạo thành chuỗi sự kiện mang tính đặc trưng, xây dựng thương hiệu du lịch lâu dài của địa phương. Tăng cường liên kết, hợp tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Hà Nam với các địa phương của các quốc gia trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... Đặc biệt, coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh du lịch Việt Nam sẽ cùng các ngành, lĩnh vực tham gia ngày càng sâu rộng vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và các địa phương trong cả nước đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch.

Với quyết tâm, nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với các tỉnh bạn trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch, du lịch Hà Nam sẽ có bước phát triển mới, trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện của du khách trong nước và quốc tế.

Mai Thành Chung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy