Thời gian gần đây, thay vì đi đến những địa điểm tập trung đông người tại các thành phố lớn, các trung tâm thương mại để vui chơi, mua sắm, nhiều người lại chọn cho mình những chuyến đi đến những nơi hoang sơ với cảnh vật thiên nhiên phong phú để trải nghiệm “du lịch chữa lành”.
Nắm bắt được nhu cầu của du khách, nhiều khu du lịch và các tour du lịch chữa lành được mở ra để đáp ứng những trải nghiệm mới.
Du lịch chữa lành được biết đến là loại hình du lịch có thiên hướng cân bằng sức khỏe, là sự kết hợp giữa các hoạt động du lịch truyền thống với các hoạt động chăm sóc sức khỏe để phục vụ cho nhu cầu sống lành mạnh của mỗi du khách.
Các tour du lịch chữa lành không chú trọng đến những hoạt động khám phá, trải nghiệm theo hướng di chuyển, vận động cường độ cao mà tập trung vào những hoạt động thể chất, tâm lý nhằm tăng cường sức khỏe cho du khách.
Đây là loại hình du lịch đã xuất hiện từ lâu và phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Tuy mới được triển khai ở Việt Nam chưa lâu nhưng loại hình du lịch chữa lành đã được nhiều du khách trong nước yêu thích và trải nghiệm.
Sau thời gian dài tập trung vào công việc cơ quan và những vấn đề trong gia đình cần phải được giải quyết với sức ép ngày càng tăng lên khiến chị Lê Thu Hoa ở quận Cầu Giấy, Hà Nội gặp một số vấn đề về tâm lý. Chị Hoa đã quyết định dành cho mình và gia đình một chuyến du lịch tại huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái).
Chị Hoa và gia đình đã có dịp trải nghiệm các hoạt động cùng với người dân địa phương như gặt lúa, cuốc đất trồng rau, thu hái các sản phẩm nông nghiệp của địa phương với sự trải nghiệm thú vị.
Chị Hoa cho biết, mặc dù tham gia nhiều hoạt động lao động chân tay, nhưng mọi người trong gia đình chị cảm thấy rất thư thái và phấn khởi, nhất là các bạn nhỏ vì được trải nghiệm những điều rất mới mẻ mà ở thành phố không có.
Còn anh Lê Hoài Nam ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại chọn cho gia đình mình chuyến trải nghiệm tại một địa điểm du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, gia đình anh có dịp trải nghiệm nhiều loại hình du lịch sinh thái tùy thuộc vào lứa tuổi của các thành viên trong gia đình.
Trong khi anh Nam và lũ trẻ trải nghiệm hoạt động bắt cá cùng người dân, thì bố mẹ anh chọn hình thức du lịch thông qua hoạt động luyện tập yoga và ngồi thiền bên những cánh đồng trải dài bất tận của khu vực Đồng Tháp Mười.
Anh Nam chia sẻ, các hoạt động du lịch mà gia đình anh được trải nghiệm không chỉ mang lại sự cân bằng về tâm lý mà còn nâng cao thể chất cho mỗi thành viên trong gia đình, góp phần tăng tính kết nối và tính tập thể trong chính gia đình mình, một điều mà từ lâu dường như mọi người đã quên mất do những tác động của công việc và các yếu tố xã hội.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cùng với sự phát triển chung, bên cạnh những yếu tố tích cực mà khoa học công nghệ mang lại cũng xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi đối với sức khỏe con người, nhất là sức khỏe tâm thần như tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng của những áp lực cuộc sống.
Do vậy, tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại những nước phát triển, con người ngày càng chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe, giải tỏa căng thẳng tinh thần, giải tỏa áp lực từ công việc, học tập...
Từ đó, xu hướng du lịch “chữa lành” ra đời với sự kết hợp độc đáo giữa hoạt động trải nghiệm và nâng cao sức khỏe thân-tâm-trí dựa trên nền tảng lấy thiên nhiên làm gốc. Đây cũng là loại hình du lịch được dự báo có xu hướng ngày càng tăng và phát triển mạnh tại Việt Nam và trên thế giới.
Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute), đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.
Nắm bắt được xu hướng phát triển của loại hình du lịch chữa lành, tại Việt Nam thời gian qua có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư vào các sản phẩm du lịch chữa lành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Mới đây, tỉnh Lào Cai đã cho ra mắt sản phẩm “Du lịch chữa lành năm 2023”. Lựa chọn sản phẩm này, du khách được trải nghiệm tour du lịch chữa lành kết hợp luyện tập yoga và tri thức bản địa về chăm sóc sức khỏe với nhiều lựa chọn: yoga trên danh thắng núi Hàm Rồng; yoga kết hợp các phương pháp trị liệu truyền thống dân tộc Dao đỏ Tả Phìn; yoga và danh thắng ruộng bậc thang; yoga kết hợp khám phá văn hóa dân tộc.
Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là một trong những địa phương có dư địa rất lớn trong phát triển du lịch chữa lành gắn với cây trồng đặc thù ở địa phương là hoa sen. Với hình ảnh hoa sen, nhiều khu du lịch ở Đồng Tháp rất phù hợp để tổ chức hoạt động nghỉ dưỡng, tái tạo năng lượng trong không gian xanh mát; giới thiệu du khách thưởng thức món ăn giàu dinh dưỡng, được chế biến từ sen.
Tuy nhiên, do là loại hình du lịch mới được khai thác cho nên nhiều khu du lịch còn thiếu bài bản, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối giữa các loại hình, các sản phẩm du lịch; nguồn nhân lực phục vụ các loại hình du lịch chữa lành chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là du khách quốc tế.
Do vậy, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy, khuyến khích các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực du lịch chữa lành cũng như nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động du lịch giàu tiềm năng này.
Theo nhandan.vn