Chùa Hang (Cốc tự) thuộc làng Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng).
Nguồn gốc hình thành nên ngôi cổ tự độc đáo, linh thiêng này gắn liền với những truyền ngôn phảng phất chất huyền thoại mà người dân xứ Vạn Sơn bao đời nay vẫn hằng tự hào và cung kính lưu giữ.
Chuyện rằng: Có một nhà sư nước Thiên Trúc (Ấn Độ) thường được gọi là "Sư Bần" đi thuyền theo đường biển đến cập bến Vạn Sơn để truyền đạo và tu hành tại đây từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Ngài đã chọn một hang núi đẹp có giếng nước trong mát dưới chân đỉnh Mẫu Sơn ngay giáp bờ biển để dựng lên ngôi cổ tự làm nơi thuyết pháp, sau ngài thi tịch tại chùa.
Địa danh chùa Hang hay Cốc tự xuất hiện từ đó. Sau này, theo khẳng định của một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, Phật giáo, chùa Hang Vạn Sơn - Ngôi cổ tự độc đáo đứng ở vị trí "trên là núi, dưới là biển, trong hang có giếng nước trong" chính là điểm đầu tiên Phật giáo theo đường biển du nhập vào nước ta.
Để rồi từ đây, Đạo Phật truyền lên vùng Luy Lâu của xứ Kinh Bắc (thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) và tiếp tục lan tỏa đến các miền quê trong nước Đại Việt. Khẳng định của các nhà nghiên cứu trên đây có nhiều điểm trùng hợp với những truyền ngôn mà người dân Vạn Sơn đã bao đời tự hào truyền tụng.

Chùa Hang, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
Đứng ở vị trí đắc địa "trên là núi, dưới là biển" nên thời Pháp thuộc, dải đất duyên hải Vạn Sơn đã từng được người Pháp chọn làm nơi xây dựng kho xăng, sân bay quân sự, cảng biển… phục vụ cho cuộc chiến và ý đồ khai thác Đông Dương. Cư dân Vạn Sơn bị chính quyền thực dân o ép rời khỏi làng mạc, bản quán thân yêu. Chùa Hang Vạn Sơn vì thế đã có một thời gian dài trở nên đìu hiu, hoang vắng.
Dẫu vậy, trong sâu thẳm tiềm thức của dân Vạn Sơn bị lưu lạc xa xứ, ngôi Cốc tự "trên là núi, dưới là biển, trong hang có giếng nước trong" vẫn luôn là chốn linh thiêng, là niềm tự hào mang nặng nỗi nhớ, niềm thương tha thiết. Truyền ngôn của người dân địa phương còn kể lại câu chuyện: Năm 1930, Tuần phủ tỉnh Bắc Giang Đặng Quốc Giám đã từng đến đây định phá núi, đục rộng cửa hang để xây biệt thự nghỉ dưỡng nhưng bị thần tiên quở phạt nên sợ hãi, không dám làm nữa.
Hòa bình lập lại, từ năm 1954, cư dân Vạn Sơn dần dần hồi hương an cư, lạc nghiệp vun đắp nên nền cốt hưng thịnh sầm uất cho vùng duyên hải đắc địa này. Và ngôi cổ tự "trên là núi, dưới là biển, trong hang có giếng nước trong" lại hồi sinh, quanh năm sạch cỏ, đỏ đèn, dập dìu phật tử thập phương tìm về lễ Phật, cầu an và thả mình nơi nước non phong cảnh hữu tình.
Thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển, điều kiện kinh tế dư dả, bà con phật tử dải đất Vạn Sơn cùng phật tử thập phương đồng lòng phát tâm công đức, tu sửa, tôn tạo chùa, tạc tượng, đúc chuông với ước nguyện giữ gìn, lưu truyền lại hậu thế báu vật di sản văn hóa Phật giáo trên vùng khu nghỉ dưỡng biển Vạn Sơn.
Theo Đại đức Thích Giác Hiệu trụ trì chùa, bao năm qua phật tử Vạn Sơn và phật tử thập phương đã có công lao, tâm đức rất lớn trong việc hiện thực hóa giấc mơ tôn tạo ngôi cổ tự "trên là núi, dưới là biển, trong hang có giếng nước trong" thành điểm du lịch thể hiện điểm nhấn lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đến với chùa Hang hôm nay, phật tử và du khách thập phương được tận mắt chứng kiến ngôi Cốc tự có quy mô tráng lệ, uy nghi, hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên vùng Vạn Sơn, được thả hồn vào chốn "Cảnh Tiên", uống ngụm nước giếng trong mát, thanh tịnh nơi "Động Phật”, đúng như phác họa của một tao nhân mặc khách nào đó đã từng đặt chân đến đây: "Chùa Hang cảnh vật nhiệm màu/ Ấy là Phật mọc hay bầu Tiên xây" (Đồ Sơn phong cảnh ngâm).
Không giấu được niềm vui, phấn khởi, cụ Lê Thị Bảy (Ban khánh tiết nhà chùa) tỏ bày: Bà con dải đất Vạn Sơn rất tự hào được góp công sức bảo tồn, phát huy giá trị một di tích văn hóa Phật giáo linh thiêng, độc đáo cho quê hương, đất nước. Nối tiếp giáo lý hướng thiện, nhiều năm qua nhà chùa rất chuyên tâm tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Tháng bảy vừa qua, nhà chùa tổ chức rất trang trọng nghi lễ cầu siêu, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì Tổ quốc. Năm học mới 2017- 2018, nhà chùa dành 200 suất quà khuyến học giúp đỡ các cháu học sinh nghèo, hiếu học của quận Đồ Sơn.
Song hành với những truyền ngôn phảng phất "mầu" huyền thoại, điểm độc đáo, thú vị của chùa Hang tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng với số đông du khách chính là ở chỗ giữa khung cảnh sôi động, nhộn nhịp của một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng miền Bắc bỗng bất ngờ có thêm một chốn "Động Phật", "Cảnh Tiên" linh thiêng mang đậm vẻ thanh bình, yên ả, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên sơn hải khoáng đạt, hữu tình.
Thanh Nghị
Thế Vĩnh