Chàng trai Huế mang nón lá du lịch 8 quốc gia

Trong hành trình, nhiều người nước ngoài nhận ra Tiến là người Việt Nam và xin làm quen, chụp ảnh chung.

Năm 2019, ở cái tuổi 29 mà nhiều người vẫn quan niệm cần có thu nhập ổn định, yên bề gia thất, Lê Văn Tiến quyết định dừng công việc hướng dẫn viên ở Đà Lạt để đi "bụi". Hành trang anh mang theo vỏn vẹn vài bộ quần áo, vốn tiếng Anh tốt, một khoản tiền tiết kiệm và không thể thiếu... nón lá. Cho tới trước khi có dịch Covid-19, nón lá đã cùng Tiến xuất hiện tại Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Myanmar, Philippines.

Chuyến đi của cuộc đời

Tiến chia sẻ chuyến đi đầu tiên của anh là vào tháng 7/2015, khi quyết định nghỉ làm hướng dẫn viên du lịch và lễ tân khách sạn ở Đà Lạt. Sau khi trả hết nợ, anh đã dùng số tiền 12 triệu đồng còn lại để thực hiện chuyến đi mơ ước tới Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Khi trở về Việt Nam, trong túi Tiến chỉ còn lại 50.000 đồng nhưng với anh đây là chuyến đi tiền đề để tiếp tục theo đuổi đam mê xê dịch và gắn bó với công việc hướng dẫn viên.

Chàng trai Huế mang nón lá du lịch 8 quốc gia
Chiếc nón lá Việt Nam ở quần thể núi lửa Ijen, Indonesia.

Năm 2018, Tiến tiếp tục lên kế hoạch về "chuyến đi của cuộc đời" là cùng nón lá lang bạt 12 quốc gia trong 6-7 tháng, khi ấy anh đang làm điều hành một công ty ở TP HCM. Lần này, chi phí anh mang theo dư dả hơn với gần 140 triệu đồng, tuy nhiên khi đi đến Indonesia thì anh gặp một tai nạn, khiến xương chân gãy vụn phải phẫu thuật và nằm viện ở thành phố Mataram 12 ngày. Kế hoạch còn dang dở ở Philippines, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka vẫn chưa thể thực hiện trong chuyến đi năm 2019, vì sau 8 tháng chấn thương, chân của Tiến vẫn chưa thích hợp để leo trèo, hoạt động mạnh.

Tiến thổ lộ chưa bao giờ tiếc nuối khi nghỉ việc vì đã luôn nhiệt thành với từng vị trí mình đảm nhận. Ngoài ra, với vốn ngoại ngữ và kinh nghiệm du lịch nhiều nơi, anh rất dễ để làm hướng dẫn viên tiếp tục khi trở về Việt Nam. Đặc biệt anh luôn quan niệm "Hãy đi khi còn có thể vì tuổi trẻ không chờ đợi một ai. Hãy một vài lần đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn của chính mình để trải nghiệm thế giới tuyệt đẹp bên ngoài".

Những kỷ niệm cùng chiếc nón lá

Tiến cho biết, nón lá là "người bạn" của anh trên mọi cung đường vì anh sinh ra ở Huế, có tuổi thơ gắn với những buổi trên lưng trâu và đi nhặt mảnh bom đạn để bán lấy tiền. Trong quá trình làm du lịch, anh thấy khách nước ngoài rất yêu thích nón lá và luôn chụp ảnh cùng nó, vì vậy anh càng tự hào, mến yêu và mong muốn mang nón lá tới "trời Tây".

Trên đường đi qua nhiều vùng miền ở các nước Đông Nam Á, người dân không thể giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng thấy Tiến cùng chiếc nón lá là cười và dùng ngôn ngữ cơ thể để trò chuyện cùng anh. Hay nhiều lần khác du khách quốc tế nhìn thấy nón lá liền nhận ra anh là người Việt Nam nên rất niềm nở, trò chuyện, qua đó Tiến cũng không quên giới thiệu cho họ một số điểm đến ở đất nước mình. Vì chủ yếu du lịch bụi, di chuyển bằng xe công cộng, xe máy nên Tiến rất chú trọng bảo quản nón lá, khi đi anh thường buộc gọn lại sau balo.

Bên cạnh những kỷ niệm vui, hành trình của Tiến cũng gặp phải một sự cố. Trong một lần ở Bromo, Indonesia vì mải mê ngắm cảnh anh quên mất giờ về, 20h vẫn còn ở giữa sa mạc. Chiếc xe máy đi thuê đã hết xăng, xung quanh không một bóng người và chỉ còn lại chút lương thực, Tiến khá lo lắng. May mắn đến khoảng 21h thì anh thấy ánh sáng đèn pin phía xa, vội chạy xe tới thì gặp những người bản địa không biết tiếng Anh. Anh đành để xe lại và đánh dấu vị trí trên bản đồ, rồi lên ngựa cùng họ về đến một ngôi làng trên núi. Tại đây anh tìm mua được xăng và có chỗ ngủ đêm. Tới 3h sáng chia tay những người bạn tốt bụng, anh đi bộ ngược về sa mạc để lấy xe. Cũng nhờ đó mà anh được chạy xe ngắm bình minh đẹp ở vùng đất núi lửa.

Trong hành trình, Tiến cho biết đã gặp nhiều cú sốc về khác biệt văn hóa, đặc biệt là ẩm thực. Đến Myanmar giữa tháng hè, hàng quán lại bán nhiều đồ chiên hoặc nấu khô hay lần khác anh được thấy người Ấn Độ ăn bằng tay.

Anh cho biết cũng vì sự khác biệt văn hóa giữa mỗi quốc gia, mỗi vùng miền mà anh đã có học được cách thích nghi với mọi hoàn cảnh. Đặc biệt sau những chuyến đi, không chỉ được ngắm muôn vàn cảnh đẹp, anh còn học được sự tự tin, xử lý tình huống và những câu chuyện "để đời", hữu ích cho công việc hướng dẫn viên du lịch.

Chàng trai Huế mang nón lá du lịch 8 quốc gia
Bức ảnh đón bình minh được lưu lại nhờ đi lạc ở sa mạc.

Những kinh nghiệm đi "bụi" ở nước ngoài

Với Tiến điều quan trọng nhất khi đi một mình ở nước ngoài là cần có tiếng Anh lưu loát. Du khách cũng cần lên kế hoạch cho chuyến đi, trang bị thực phẩm, đồ dùng để phòng trường hợp gặp phải sự cố. Ngoài ra là cần có sự tự tin, bình tĩnh để giải quyết các tình huống như "bị làm khó" khi nhập cảnh ở biên giới Malaysia - Thái Lan.

Với Tiến, tiền là cần thiết nhưng không phải rào cản để thực hiện đam mê xê dịch. Anh chọn đi trải nghiệm, thay vì nghỉ dưỡng hay đi cho biết, vì vậy mọi chi phí đều được tiết kiệm tối đa, ưu tiên trả vé vào cổng và các hoạt động trải nghiệm. Thông thường anh lựa chọn các phòng tập thể, ăn uống ở cửa hàng của người địa phương, đặc biệt cần có nụ cười thân thiện để có thể đi nhờ xe người địa phương.

Công thức "đi bụi" của Tiến là cứ 5 ngày ở phòng tập thể giá 4-10 USD/đêm, một ngày ở homestay 15-20 USD/đêm thì sẽ có một ngày ở khách sạn có bể bơi để hồi phục sức khỏe. Ngoài ra khi di chuyển giữa các nơi anh thường chọn đi xe đêm để tiết kiệm tiền khách sạn. Trong thành phố, Tiến ưu tiên các phương tiện công cộng như tàu hỏa, xe bus và đi xa bằng xe máy.

Chàng trai Huế mang nón lá du lịch 8 quốc gia
Không chỉ nước ngoài, Tiến còn mang theo nón lá dọc 47 tỉnh thành Việt Nam.

Đi một mình thì luôn chú ý tới tư trang cá nhân, đây là kinh nghiệm anh rút ra sau khi để quên ba lo có ví tiền, passport và những thứ quan trọng khác. Ngoài ra cũng không nên để lộ quá nhiều đồ trang sức, điện thoại, máy ảnh đắt tiền để phòng kẻ gian. Cuối cùng, Tiến thường chia nhỏ tiền mặt để cất ở nhiều nơi, còn phần lớn đều giữ trong tài khoản ngân hàng.

Anh cho biết, dịch Covid-19 đang làm gián đoạn những chuyến đi. Hiện anh tập trung làm công việc yêu thích là thiết kế tour tại Đà Lạt, kiêm thêm nhiếp ảnh gia, dù cũng gặp nhiều khó khăn do Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, anh sẽ thực hiện ước mơ lớn nhất là tự leo các ngọn núi ở Nepal trong một tháng, 2 tháng khám phá văn hoá - ẩm thực và đất nước Ấn Độ, lái xe ở vùng Ladakh và một tháng lang bạt ở Sri Lanka.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy