Tài lộc không phải chỉ cầu là có

Đầu Xuân là thời điểm khởi đầu cho một năm làm việc, buôn bán, lao động mới theo quan điểm của nhiều người. Bởi vậy, số đông các gia đình thường đi lễ đình, đền, chùa, miếu, phủ, sửa biện các khóa lễ, phóng sinh… nhằm cầu mong may mắn, thuận lợi trong công việc. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống song cũng có không ít người lạm dụng, mê tín, bởi suy nghĩ chăm cúng lễ, cầu xin sẽ có nhiều tài lộc, dẫn đến những suy nghĩ, việc làm lệch lạc, thiếu chuẩn mực.

Đi lễ để cầu mong may mắn, thuận lợi trong công việc. Ảnh minh họa: Zing

Là người buôn bán nên chị Nguyễn Thị M. (trú tại phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý) rất “tín tâm”. Năm nào cũng vậy, ngay sau Giao thừa chị đều tới chùa, miếu gần nhà dâng hương, kêu khấn Phật, Thánh phù hộ cho gia đình năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Và ngay dịp đầu năm mới ngoài đi đủ những nơi cầu tài, cầu lộc, cầu công danh, bao giờ gia đình chị cũng làm lễ phóng sinh, giải hạn. Năm mới Canh Tý 2020, mặc dù tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp song chị vẫn “phải” đi lễ cho đủ “tam tòa, tứ phủ”… Nói về việc cầu tài lộc, chị M. cho biết: Năm nào tôi cũng đi lễ đủ mọi nơi. Làm ăn nên phải tín tâm. Hiệu quả thì năm được, năm mất nhưng nếu không đi không yên tâm. Định đầu tư vào lĩnh vực gì cũng lo lắng, phân vân nhưng nếu đi lễ cảm thấy yên tâm đầu tư hơn. Đặc biệt, nếu gieo quẻ mà “ngài cho” thì mình có thêm động lực, quyết tâm làm cho kỳ được.

Cũng là người rất tín tâm, bác Lê Thị Th. (trú tại phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) đầu xuân năm mới bao giờ cũng phải đi lễ Phật, lễ Mẫu. Bác còn theo thầy dự nhiều khóa lễ trong năm tại các chùa, đền, phủ. Bác Th. tâm sự: “Mình căn cao số nặng, công việc vất vả, buôn bán bấp bênh, không lễ để “giải số” e là còn khổ nữa. Mấy năm nay theo thầy đi lễ công việc cũng chưa cải thiện, chồng con vẫn rượu chè song được cái sức khỏe, tinh thần bản thân cũng có phấn chấn hơn. Đi lễ phải tốn kém tiền bạc song mình chấp nhận vì “cái số, cái căn” của mình phải vất vả như thế”.

Trước khi làm việc gì chị Trần Thu H. (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên) cũng đi hỏi “thầy” và “thầy” bảo sao chị nghe vậy, kể cả làm các khóa lễ cầu kỳ, tốn kém. Chị còn thường xuyên đi lễ các nơi, nghe nói nơi nào linh thiêng chị đều tìm đến. Tuy lễ lạt chu đáo là vậy song năm Kỷ Hợi vừa qua chị mất rất nhiều tiền vì tin “thầy”, tin “thánh đồng ý qua đài âm dương”, chị đầu tư mua bán bất động sản nhưng đều thất bại. Mất tiền tỷ, chị H. xót xa nhưng đã tin “thầy”, tin “thánh” nên không biết kêu ai.

Nói về việc cầu tài, cầu lộc, cầu bình an đầu năm mới, anh Lê Văn Q. (phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Đây thực sự là nét văn hóa đẹp nếu không bị lạm dụng, mê tín một cách mù quáng. Gia đình anh Q. năm nào đầu năm cũng đi lễ chùa, đền cầu bình an, may mắn nhưng anh cho rằng đi lễ chùa, lễ thánh là để “mở tâm mình” hướng thiện, hướng tới những suy nghĩ, việc làm và quan niệm lao động chân chính. Trong thực tế đời sống không cha mẹ, anh em nào giúp đỡ cho người lười lao động, người không chịu khó tư duy tìm tòi và làm ăn nghiêm túc, cần cù. Phật, thánh cũng không thể ban phát tài lộc cho người lười lao động, buôn gian bán lận, làm ăn phi pháp, không tu thân tích đức. Chưa kể nhiều người thiếu hiểu biết để các “thầy” lợi dụng yêu cầu sắm sửa những khóa lễ lớn, vừa tốn tiền bạc, thời gian vừa sinh ra tính ỷ lại, lười lao động, trông chờ vào may rủi. Anh Q. tỏ bày: Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều người “chăm cầu, chăm lễ” nhưng làm nghề phi pháp, cờ bạc, lô đề nên con cái hư hỏng, gia đình sa sút. Cũng có người chăm cầu, chăm lễ nhưng không chịu học hỏi, buôn bán kinh doanh, tìm hiểu thị trường… thì không thể có tài, có lộc.

Điểm chung nhất trong những câu chuyện, tâm sự của nhiều người làm ăn thành đạt, con cái chăm ngoan khi được hỏi về vấn đề này đó là việc cầu tài lộc, may mắn không sai, không xấu. Cầu tài lộc, may mắn, bình an là nét văn hóa truyền thống song chỉ là chỗ “dựa tinh thần” để mọi người có thêm động lực, niềm tin để làm việc, phấn đấu. Tài lộc, hưng vượng của gia đình, thành đạt của con cái có được phải dựa trên sự hiểu biết, kiên trì nỗ lực, ăn ở nhân đức và tinh thần hăng say lao động, làm việc, học tập. Có như vậy, tài lộc mới có thể đến với mỗi người, mỗi gia đình một cách lâu bền.

Nguyễn Hằng     

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.