kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phòng lây nhiễm bệnh cho trẻ tại các bể bơi

Phòng lây nhiễm bệnh cho trẻ tại các bể bơi

Trẻ em đã bước vào kỳ nghỉ hè, thường xuyên tham gia các sinh hoạt tập thể như tại các bể bơi. Khi dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt, vẫn còn lây lan trong cộng đồng với những biến chủng mới, các bệnh lưu hành như chân tay miệng, thủy đậu xuất hiện, việc bảo đảm an toàn cho trẻ ở những bể bơi tập trung là cần thiết.

Vào giữa tháng 6/2022, cháu Chu Đình Cường về thăm ông bà nội ở Thôn 1, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục đúng lúc cháu bị mắc Covid-19. Cường cho biết, cháu được nghỉ hè từ đầu tháng 6, các buổi chiều, buổi sáng thường đi bơi với các bạn ở bể bơi công cộng. Trước ngày về với ông bà nội, cháu đã có biểu hiện sốt, đau họng, sổ mũi. Cả gia đình và ông bà nội đã bị lây nhiễm   SARS-CoV-2 từ Cường, tất cả đều có triệu chứng nhẹ vì đã tiêm phòng vắc-xin Covid-19.

Chị Trần Thị Huyền, mẹ của Cường chia sẻ: “Tôi nghĩ cháu có khả năng bị nhiễm dịch do đi bơi. Bể bơi mùa hè khá đông người, có cả người lớn và trẻ em. Những hôm trời nóng nực, bể bơi càng đông người bơi hơn. Thời điểm này, mọi người đều đã tiêm từ 2 đến 3 mũi, trẻ em thì hầu như đã tiêm 1 mũi, lại bị mắc Covid-19 tương đối nhiều vào đợt tháng 2, tháng 3 nên ai cũng nghĩ sẽ không bị mắc lại nữa. Tuy nhiên, dịch còn chưa hết, mỗi ngày cả nước vẫn có hàng trăm ca theo thông báo chính thức, còn nhiều trường hợp không khai báo y tế nên số ca mắc Covid-19 có thể còn nhiều hơn trong cộng đồng. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm dịch, mắc lại Covid-19 vẫn có thể xảy ra, nhất là ở những khu vực tập trung đông người như bể bơi”.

Phòng lây nhiễm bệnh cho trẻ tại các bể bơi
Bể bơi Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo (TP Phủ Lý) thu hút khá đông trẻ em đến bơi mỗi ngày.

Không chỉ dịch Covid-19, các bệnh chân tay miệng thời gian qua cũng bùng phát. Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi, từ cuối tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày khoa có từ 15 đến 20 bệnh nhi mắc bệnh chân, tay, miệng. Các bác sỹ chuyên khoa cho biết, bệnh có khả năng lây lan nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, nước bọt của trẻ bị bệnh. Việc phát tán vi-rút gây bệnh đối với người đã mắc bệnh xảy ra ngay ở tuần đầu tiên giai đoạn ủ bệnh. Và, thời gian lây nhiễm có thể còn kéo dài trong nhiều tuần vì vi-rút tiềm ẩn trong nước bọt của trẻ mắc bệnh chân tay miệng. Vì thế, khi trẻ bị bệnh chân, tay, miệng đi bơi, nguy cơ lây nhiễm sang người khác rất cao.

Bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Sản-Nhi) cho biết, mặc dù trẻ bị mắc bệnh chân tay miệng vào viện thời gian qua chủ yếu tập trung ở lứa tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Thông thường, ở giai đoạn này, các cháu chưa thể đến bể bơi tập trung. Nhưng vì thời tiết mấy tuần qua khá nóng, việc nhiều phụ huynh cho con đến bể bơi học bơi cũng tăng. Chúng tôi khuyến cáo, nếu cháu nào có dấu hiệu mắc bệnh chân, tay, miệng thì phụ huynh nên cho con ở nhà, không nên cho đến bể bơi tập trung, tránh lây nhiễm sang người khác.
Cùng quan điểm này, bác sỹ Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Lục khẳng định: Học bơi là rất cần thiết khi mà tình trạng đuối nước ở trẻ vẫn diễn ra. Thế nhưng, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý bảo đảm an toàn cho trẻ khi đi bơi ở những bể bơi tập trung. Các bé vẫn có thể mắc Covid-19, bệnh chân, tay, miệng hay một số bệnh truyền nhiễm khác như đau mắt hột, não mô cầu hoặc các bệnh ngoài da tại đây. Bác sỹ Nguyễn Xuân Sỹ nhấn mạnh, nước ở bể bơi có thể được khử trùng bằng Cloramin B, môi trường này Covid-19 không thể tồn tại. Thế nhưng, cơ chế lây nhiễm dịch Covid-19 còn do tiếp xúc gần, trong quá trình nói chuyện, tương tác gần gũi, giọt bắn ở người này có thể sang người kia dễ dàng. 

Chứng kiến nhiều trẻ bị mắc bệnh chân, tay, miệng, Covid-19 được đưa vào viện, bác sỹ Nguyễn Xuân Sỹ không khỏi băn khoăn lo lắng. Mùa hè, thời tiết nóng nực, để giải tỏa nhiệt độ môi trường, tạo cảm giác dễ chịu, người lớn thường cho trẻ đến bể bơi. Hơn hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm hạn chế hoạt động này. Đến giờ, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhiều người đã tiêm vắc-xin Covid – 19 hoặc đã bị nhiễm bệnh nên có tâm lý chủ quan khi đến những nơi tập trung đông người, không đeo khẩu trang, không bảo đảm các biện pháp an toàn cho trẻ. Cảnh báo của ngành y tế về diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, bên cạnh Covid-19, nhiều bệnh lưu hành có xu hướng tăng do bắt đầu vào cao điểm mùa dịch. Vì thế, các bác sỹ khuyến cáo khi cho trẻ đi bơi, cần hạn chế đến nơi đông người; kiểm soát việc tiếp xúc của trẻ. Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ ở bể bơi tập trung, bể bơi công cộng không phải là chuyện mới, nhưng luôn luôn cần thiết. Bởi trong thời gian qua, các loại dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sức khỏe con người. Phòng còn hơn chống, đó là phương châm, là mục tiêu mà ngành y tế khuyến cáo để mỗi người dân chủ động, tự giác trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ bùng phát, tấn công của nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy