Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có khoảng 30 trẻ em tử vong. Thực tế cho thấy, vấn đề tai nạn thương tích trẻ em xảy ra khó lường, đặc biệt với những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm xa, làm công nhân ở các KCN, trẻ nghỉ hè không có chỗ vui chơi…

Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuần nào cũng tiếp nhận hàng chục ca tai nạn thương tích trẻ em với các trạng thái thương tật khác nhau như: Bỏng và ăn da, ngộ độc, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt... Nhiều trẻ bị nặng phải chuyển tuyến theo nhu cầu của gia đình hoặc chỉ định của bệnh viện.

Ngày 13/5, anh Nguyễn Mạnh Tiến, Thôn 5, xã Phù Vân, TP Phủ Lý vội vã đưa con vào viện với những vết thương vùng đầu do tai nạn giao thông. Anh Tiến kể, buổi sáng, con trai anh là cháu Nguyễn Minh Đức, sinh năm 2013, đang học lớp 5, Trường Tiểu học Phù Vân đi xe đạp đến trường. Do chiếc mũ đội đầu bị cụp vành che nắng, hạn chế tầm nhìn nên đã tự đâm vào đuôi xe tải đỗ phía trước. Qua thăm khám, chụp chiếu, Đức bị lõm xương trán, khâu 10 mũi ở vùng đầu, mũi…

Nhìn con đau đớn, anh Tiến cho biết: “Vợ chồng tôi cũng làm gần nhà, nhưng nghĩ cháu lớn rồi, có thể tự đi xe đến trường nên để cháu tự đi. Vì lo lắng tình hình giao thông phức tạp, chúng tôi đã căn dặn con cẩn thận. Tuy nhiên, tuổi các cháu đôi lúc chểnh mảng, thiếu tập trung nên rất dễ bị tai nạn thương tích”. 

Cũng tại Khoa Chấn thương, ngày 30/5, cháu Ngô Gia Khánh, 3 tuổi, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục được đưa vào viện trong tình trạng gãy xương tay. Bố cháu Khánh cho biết, cháu được trông nom rất cẩn thận, tuy nhiên, do trượt chân ngã nên cháu bị gãy tay. Không ai biết trước được tai nạn xảy ra lúc nào nên khó kiểm soát mọi lúc. Ở tuổi của các bé, nhận thức về tính an toàn trong sinh hoạt, học tập và đời sống còn hạn chế nên việc phòng tránh vô cùng khó khăn. 

Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ
Cháu Nguyễn Minh Đức (xã Phù Vân, TP Phủ Lý) đang điều trị tại Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh do bị tai nạn giao thông trên đường đi học.

Làm việc lâu năm tại Khoa Chấn thương, bác sỹ Trần Văn Phương không ít lần phải chứng kiến những tai nạn thương tích ở trẻ gây ám ảnh tâm can. Dẫu can đảm vì nghề nghiệp, anh cũng vẫn không thể quên những vụ việc tai nạn đau lòng xảy ra với trẻ. Bác sỹ Phương cho biết: “Có khi, chỉ vì mẹ dùng bếp than quên không chú ý, đứa trẻ lẫm chẫm biết đi sà vào và bị bỏng. Hay chỉ vì một phút sao nhãng của người lớn, đứa bé lao ra đường va vào xe máy, nhẹ thì trầy xước bên ngoài, nặng thì gẫy chân, gẫy tay hoặc đa chấn thương, tử vong. Nhiều cháu xuống ao nghịch nước chẳng may sẩy chân ngã xuống, dẫn đến đuối nước... Trăm nghìn tình huống mà người lớn không thể lường trước sẽ làm những đứa trẻ bị thương hoặc không giữ tính mạng là điều mà bác sỹ chúng tôi luôn trăn trở”. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho gần 200 trường hợp bệnh nhi bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, bỏng...

Mùa hè đã đến, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường, trẻ em được đến các khu vui chơi, giải trí, được tham gia các hoạt động hè. Tuy nhiên, so với trẻ em thành phố, hàng vạn trẻ em nông thôn thiếu chỗ chơi, không có điều kiện học bơi, bố mẹ đi làm xa, làm việc trong các KCN… Nguy cơ mất an toàn đối với trẻ rất cao.

Theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ còn thiếu. Điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em ở nông thôn so với trẻ em thành phố còn có khoảng cách khá xa. Trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích vẫn diễn biến phức tạp. Một số gia đình chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của trẻ em…

Để trẻ em được sống an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình, khu dân cư và trường học, ngành LĐ-TB&XH  đã rất nỗ lực trong việc xây dựng các mô hình, đề án bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống, học tập an toàn cho trẻ; phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ. Nhiều mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”, “Trường học an toàn”... đã được xây dựng và triển khai, hướng mục tiêu vào việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích. Nhưng, hơn chục năm qua, mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ” triển khai vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, nhân lực.

Thiết nghĩ, các cấp, ngành, những người làm cha làm mẹ cần “lắng nghe trẻ em nói” mới thấy việc người lớn nên làm, để xây dựng một môi trường sống, vui chơi, học tập an toàn cho trẻ. 

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.