Đêm noel – đêm mùa đông, lạnh giá nhưng khô ráo, dòng người nối nhau từ các ngả đường đổ về phía nhà thờ thành phố Phủ Lý. Đường Biên Hòa như một “dòng sông người” chuyển động. Không khí náo nhiệt, chen chúc nhau như đi hội, xóa tan cảm giác lạnh giá đêm đông.
Đêm Noel đúng vào thứ 7, đường Biên Hòa càng trở nên tấp nập, đông đúc hơn. Nhà thờ thành phố nằm trên con đường này, nơi bắt đầu của tuyến phố đi bộ được tổ chức gần một năm nay vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần.
“Đường phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng…”, lời ca ấy cất lên ru rọi một nỗi nhớ xa xôi về những kỷ niệm nào đó đã qua. Vai chen vai, chân quyện chân người, đường không còn lối đi. Những âm thanh tổng hòa trong gió để “đường phố dài, một đường dài” không thể nào đi hết. Tất cả dừng lại trong sự ứ chật. Lạ. Dừng lại để thưởng thức những điều vui vẻ quanh ta.
Hàng vạn con mắt hướng về phía các bà, các chị trong câu lạc bộ dân vũ nhún nhảy theo nhạc trước toà nhà Vinpeal trên đường Biên Hòa, đánh tan cái rét. Những âm thanh rập rìu níu kéo người xem đứng chật đường đi hàng tiếng đồng hồ.
Mới 21h30, tiếng chuông nhà thờ chưa ngân vang, dòng người vẫn trôi trong ánh sáng đèn đường lấp lóa, tiếng nguyện cầu vẫn còn trong tim. Đêm cuối tuần đặc biệt. Chỉ có rét và gió, không có mưa phùn gió bấc như nhiều năm.
Những người công giáo đêm nay sẽ không ngủ, họ đang hướng về nhà thờ, chờ 3 hồi chuông dài ngân vọng trong đêm, chào mừng Chúa giáng trần. Nhiều người không thể nào đặt chân vào thánh đường vì quá đông, nhưng ở không gian nào trong đêm Noel, họ vẫn chờ đợi tiếng chuông thánh đường, căng phồng lồng ngực, khẽ nhắm đôi mắt hướng mặt lên bầu trời cầu nguyện, chờ giai điệu bài thánh ca ngân vang. Đêm linh thiêng và hạnh phúc!
Trong không gian văn hóa ẩm thực đêm nay - đêm Noel, người ta chơi dài hơn, muộn hơn. Những tuyến phố đi bộ có nhiều hàng quán, bán đủ đồ ăn nhanh, ăn chơi, nhưng chỉ có độc hai người đàn ông bán ngô nướng. Mùi ngô nếp chín trên than hồng mới hợp với đêm đông. Khách quây quần bên bếp lửa, chờ đợi ngô chín và sưởi ấm.
Ở góc phố kia, một cụ già nhăn nheo mắt, cười phúc hậu bán trà nóng vỉa hè. Cả tuần rồi, bà cụ chỉ trông chờ buổi tối cuối tuần để bán đắt hàng hơn bình thường và được nói chuyện râm ran với khách. Cô nhà báo giơ cái máy ảnh chụp bà thế nào thì chụp, bà cũng chẳng cần quan tâm, mắt nhìn khách hàng trò chuyện, tay rót nước cho đôi ba người nhanh thoăn thoắt. Thật ra, cụ đã quen ngồi trước ống kính rồi. Vì thế, cô nhà báo kia có làm gì trước mặt, cụ càng tự nhiên và hóm hỉnh hơn.
Phố mùa đông. Đêm cứ dài trong rét mướt. Làm sao có thể chen chân được vào thánh đường? Có quá nhiều người tự hỏi câu này, rồi chấp nhận dạo phố trong trật tự đêm khuya. Anh bán ngô cũng không còn hàng để bán. “Giá như đêm nào cũng là đêm Noel! Người dân khu vực này có cơ hội kiếm tiền từ chuyện trông xe hay bán hàng đêm. Lượng hàng đêm nay tôi bán bằng cả tuần ngồi lai dai buổi chiều đón khách. Lại còn vui vẻ chứ!” – Anh bán ngô thật thà đến độ, chẳng muốn dối lòng mình.
Phố mùa đông, đêm Noel. Tôi vừa đi vừa hát “bài thánh ca đó còn nhớ không em…” khi chân không thể nào chen qua đám đông đi về phía nhà thờ. Chúa sắp ra đời, tôi nhường chỗ cho những người con của chúa để trở về nhà. Một giờ sau, tiếng chuông thánh đường vang lên trong đêm, vọng về tận ký ức xa xưa “Bài thánh ca đó còn nhớ không em….”
Giang Nam