Làm ruộng giờ không còn vất vả như trước, chỉ những yếu tố bất thuận của thời tiết như nắng nóng, mưa bão vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của người nông dân. Sợ nhất, lo nhất là gần đến ngày thu hoạch mà mưa bão tràn về. Đêm đến, nghe tiếng gió giật, mưa dội ngoài hiên, nằm trên giường đệm ấm, chăn êm mà thao thức, trăn trở, lo lắng không sao chợp mắt được.
Nhiều năm trở lại đây, chưa năm nào gieo cấy lại vất vả, khó khăn như vụ mùa năm nay – ông Trần Văn Quán, Giám đốc HTXDVNN Tín Vỹ Vọng, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm chia sẻ. Do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đúng vào thời điểm gieo cấy khiến nhiều diện tích lúa mùa vừa mới sạ xong bị ngập chìm trong nước. Dù đã chủ động, nỗ lực tiêu thoát nước để cứu lúa nhưng ở những chân ruộng trũng, ruộng sâu có diện tích nông dân phải vất vả, kiên trì gieo cấy lại tới lần thứ 3. Làm ruộng thời nào cũng vậy, nông dân lo lắng đến mất ăn mất ngủ mỗi khi mưa bão về.
Qua những khó khăn, vất vả đầu vụ, tháng 9, lúa mùa trổ bông, vào mẩy, hứa hẹn lại có thêm vụ mùa thắng lợi. Tranh thủ ra thăm đồng, mấy bác nông dân cười chia sẻ: Làm ruộng giờ không còn vất vả như trước, chỉ những yếu tố bất thuận của thời tiết như nắng nóng, mưa bão vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của người nông dân. Sợ nhất, lo nhất là gần đến ngày thu hoạch mà mưa bão tràn về. Đêm đến, nghe tiếng gió giật, mưa dội ngoài hiên, nằm trên giường đệm ấm, chăn êm mà thao thức, trăn trở, lo lắng không sao chợp mắt được. Công gieo trồng, chăm sóc vất vả, cực nhọc suốt mấy tháng trời… xót lắm chứ. Bốn năm giờ sáng, mưa chưa dứt đã vội dậy mặc áo mưa ra đồng để sớm khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Trong hai vụ sản xuất, vụ mùa rơi vào thời điểm mưa bão nhiều. Biết trước những khó khăn, bất thuận của thời tiết gây ra, nhưng nông dân chỉ có thể chủ động phòng chứ không thể tránh...
“Xanh nhà hơn già đồng” là câu nói quen thuộc, cũng là phương châm hành động của nông dân chúng tôi trong mùa mưa bão, khi ngày thu hoạch lúa mùa đã cận kề – bà Vương Thị Hưng, thôn Văn Lâm, xã Liêm Tiết (TP Phủ Lý) bộc bạch. Năm nay 76 tuổi, nhưng vợ chồng bà Vương Thị Hưng vẫn gieo cấy 3 sào ruộng. Bà Vương Thị Hưng nói: Gắn bó với đồng ruộng lâu năm, tôi đã quen với nỗi vất vả của việc buộc dựng lúa bị đổ mỗi khi mưa bão đi qua. Ngày trước, việc tiêu thoát nước chưa tốt như bây giờ, mưa bão về, vụ mùa có năm bị mất trắng. Giờ, đồng ruộng được quy hoạch, hệ thống thủy lợi thường xuyên được đầu tư, tu bổ; mưa bão lớn cũng chỉ ảnh hưởng đến năng suất chứ không gây mất trắng như trước. Làm nông, yếu tố thời tiết rất quan trọng. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến hết sức phức tập, khó lường, nông dân phải chịu thêm phần khó khăn, cực nhọc. Có thể nói, chỉ có người làm nông mới thấu được nỗi vất vả, khẩn trương, vội vã của những lần gặt chạy bão; mới thấu được nỗi lo lắng ngập lòng khi lúa ướt trong bao nhưng chưa có nắng để phơi…
Nỗi niềm của bà Vương Thị Hưng cũng là nỗi niềm chung của những người nông dân đang trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, phần lớn lực lượng lao động trẻ ở nông thôn đi làm cho các công ty, doanh nghiệp. Lương bình quân một tháng có người đong được cả tấn thóc, thậm chí còn cao hơn… vì vậy nhiều bạn trẻ không thiết tha với đồng ruộng. Lực lượng lao động chính trong sản xuất nông nghiệp giờ chủ yếu là nông dân tuổi tầm trung niên trở lên. Là những người gắn bó lâu năm với đồng ruộng, thu nhập chính cũng chỉ trông vào đồng ruộng nên mọi người tâm huyết và rất nỗ lực trong lao động sản xuất. Tuổi tuy không còn trẻ nhưng mọi người không ngại khó, không ngại khổ; dám nghĩ dám làm, dám đổi mới... để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng. Mùa mưa bão, có vụ năng suất bị ảnh hưởng, có vụ phải gieo cấy lại… nhưng nông dân vẫn kiên trì, cần mẫn với công việc cày cấy. Chịu nhiều vất vả, lo lắng, nhọc nhằn, nhưng với họ, đồng ruộng không chỉ là nơi để lao động sản xuất, đồng ruộng còn là nơi gửi gắm niềm hy vọng, mong chờ sau những ngày không ngừng nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, để có cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn.
Bao năm qua, hội làng mùa Xuân người đi trảy hội đông vui. “Cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu…” - là nội dung không thể thiếu trong phần văn tế. Đây cũng là ước mong chung của nông dân thời trước, thời nay và cả sau này mỗi khi bắt đầu mùa vụ mới.
Phạm Hiền