Lớp học tự vệ nữ - Giúp trẻ em gái bảo vệ mình

Nhằm giúp trẻ em, nhất là trẻ em gái biết được các kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại và bạo hành, Liên đoàn Võ thuật tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Giáo dục Micom tổ chức các khóa học kỹ năng cho các đối tượng là trẻ em gái.  

Trẻ em trong môi trường gia đình, xã hội nhiều lúc gặp phải những tình huống không mong muốn nhưng do lo sợ, do không biết phản kháng lại để bảo vệ mình nên nhiều khi gây ra những hậu quả đáng tiếc. Một số trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành về thể chất và tinh thần từ gia đình và xã hội đã và đang diễn ra gây nhức nhối, phẫn nộ trong xã hội.

Lớp học tự vệ nữ  Giúp trẻ em gái bảo vệ mình
Các giáo viên hướng dẫn cho các em các động tác phản đòn.

Mỗi khóa học kéo dài khoảng một tháng, các em được hướng dẫn bởi các cô giáo là thành viên của Liên đoàn Võ thuật tỉnh, các nữ huấn luyện viên Bộ môn Vật tự do nữ của tỉnh. Đầu tiên, các em sẽ được dạy để nhận biết những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Đây là bước quan trọng nhất quyết định kết quả đối với mỗi tình huống, khi có các kỹ năng phán đoán, nhận biết, đề phòng, các bé có thể phát hiện được mối nguy hiểm đang cận kề, từ đó sẽ không rơi vào thế bị động, không dễ dàng để cho kẻ xấu thực hiện được kế hoạch của mình. Sau bước nhận biết, các em được trang bị kỹ năng mở khóa các tư thế khi bị tấn công. Khi đã bị đối phương khống chế, tấn công, muốn thoát khỏi tình huống nguy hiểm thì các bé phải ngay lập tức thực hiện được các thủ thuật như đánh lạc hướng, phá khóa và một số đòn phản một cách hiệu quả và nhanh nhất để hỗ trợ cho việc thoát thân.

Tuy nhiên, việc thoát khỏi tình huống nguy hiểm tức thời không đồng nghĩa với việc bản thân đã được an toàn, ở bước chạy thoát và tìm người giúp đỡ các bé sẽ được giáo viên hướng dẫn biết dùng sức nhanh để thoát khỏi kẻ xấu, tìm đến những nơi đông người, người thân... để được giúp đỡ kịp thời. Ngoài ra khi tham gia khóa học, các em sẽ học được cách sống hòa đồng trong môi trường tập thể, tự tin thể hiện bản thân; các em sẽ học được cách luôn phải chủ động đối với cuộc sống của mình, vượt qua được những nỗi sợ hãi, thất vọng không đáng có... Việc tập luyện một cách khoa học sẽ giúp các em có được sức khỏe toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Một trong các nhận thức cơ bản khi các em được học tại đây, đó là các bài giáo dục về những đụng chạm thân thể. Vì nhìn từ thực tế, trẻ nhỏ là nạn nhân phổ biến của các tội phạm về tình dục, trong đó, rất nhiều trường hợp phạm tội là người thân quen hoặc người trong gia đình của trẻ. Lớp học đầu tiên của khóa học do cô giáo Nguyễn Thị Huyền phụ trách truyền đạt có nhiều em với nhiều lứa tuổi khác nhau, có em đang học trung học phổ thông, có những em mới vào tiểu học nhưng hầu như không em nào có hiểu biết đầy đủ để bảo vệ thân thể mình.

Cô Huyền chia sẻ, cần phải dạy cho trẻ cách gọi đúng tên từng bộ phận trên cơ thể, kể cả chỗ kín. Giúp các em đủ vốn từ để nói chuyện với bố mẹ khi có người lớn nào đó đụng chạm vào các phần thân thể của mình. Đặc biệt những phần thân thể được che khi ta mặc đồ bơi là những phần thân thể riêng tư không ai được đụng chạm. Phải nói “không” trước những đụng chạm không an toàn như thế và việc trình báo ngay lại sự việc cho bố mẹ hay người lớn rất quan trọng. Đồng thời, giải thích các kiểu đụng chạm mà trẻ có thể trải qua, trong đó có những đụng chạm an toàn như vỗ nhẹ vào lưng hay quàng tay qua vai, bắt tay, nắm tay.

Với những đụng chạm không an toàn có thể làm đau trẻ như một cái đánh, xô đẩy, trái với mong muốn, trẻ cần thiết phải biết nói “không”. Với những người lạ vẫy tay chào là đủ, còn với những người lạ gây bất an xua tay tránh xa, không nhận đồ, không đi theo, nên hét to và bỏ chạy nếu đối tượng lại gần. Dạy trẻ cơ thể của ta thuộc về ta và không ai khác kể cả bố mẹ cũng không có quyền chạm vào ta khi ta không muốn. Không nên ôm hay hôn một người lớn nào đấy, kể cả bà con thân thích hay bạn bè của bố mẹ nếu con thật sự không muốn, ngay cả khi bố mẹ yêu cầu. Không ai trong gia đình, kể cả bố mẹ được chạm vào chỗ kín của trẻ trừ những trường hợp trẻ không thể tự làm. Trường hợp khác có thể chấp nhận được là một chuyên gia y tế cần phải kiểm tra chỗ kín của trẻ để khám hoặc chữa bệnh. 

Lớp học cũng dạy các em các quy tắc đụng chạm xã giao, trong đó không được đụng chạm vào những phần cơ thể riêng tư của người khác cũng như không cho phép người khác chạm vào những phần cơ thể riêng tư của mình. Bên cạnh đó, lớp học cũng dạy các em các hình thức xâm hại khác, trong đó có xâm hại về tinh thần. Các hành vi như mắng chửi, miệt thị, nói lời ác ý của bố mẹ, người thân, thầy cô giáo, hàng xóm láng giềng… đều được cho là hành vi bạo hành tinh thần trẻ em. Rất nhiều lời nói của người lớn dù vô tình nhưng cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần và nhận thức của trẻ cho tới khi lớn lên. Trẻ lớn lên trong môi trường được cảm thông và thấu hiểu sẽ có sự phát triển bền vững hơn về tâm lý, sự tự tin và lòng tự tôn bản thân.

Lớp học tự vệ nữ  Giúp trẻ em gái bảo vệ mình
Các học viên lớp tự vệ nữ.

Phần được giáo viên chỉ dạy cụ thể tại lớp học đó là những kỹ năng giảng hòa, đánh lạc hướng, phản đòn, phá khóa, chạy thoát. Với những trường hợp xảy ra mâu thuẫn hoặc có sự hiểu lầm, bước đầu tiên cần giải thích, giảng hòa nếu đối phương quá khích có những hành động xâm hại thân thể mới được phản kháng lại. Giáo viên sẽ dạy các em cách phán đoán, phản ứng nhanh với những cái tát, cú đấm và những cái đá chân của đối phương. Đối với những trường hợp như bị khóa cổ, đè sấp các em sẽ biết cách mở khóa và phản lại những đòn tấn công đó. Với những trường hợp bị tấn công hội đồng, cố gắng tìm lối mở cho mình, không được đứng im chịu trận, cố gắng phản kháng và chạy thoát hoặc tìm người giúp đỡ…

Cô Huyền cho biết, với mỗi động tác các em đều được các giáo viên hướng dẫn, tập luyện nhuần nhuyễn, nhiều em phản ứng rất nhanh gần như trở thành phản xạ tự nhiên khi gặp nguy hiểm. Nhiều em rất nhút nhát khi đến với lớp học nhưng cũng dần tự tin, cởi mở và hòa đồng hơn. Giúp trẻ em nữ các kỹ năng tự bảo vệ mình, truyền cho các em sự tự tin, mạnh mẽ chính là mục đích của các lớp tự vệ. Lớp học hiện đang nhận được sự quan tâm của khá nhiều phụ huynh và có nhiều các em nữ đang theo học.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy