'Loa phường', 'loa phố'

“Loa phường”, “loa phố” là hệ thống thiết bị truyền thanh được bố trí rộng khắp đến từng khu dân cư. Hiện nay, do sự phát triển của đa dạng các loại hình truyền thông nên một bộ phận người dân ít quan tâm hơn đến thông tin từ “loa phường”, “loa phố”.

Tuy nhiên, trong thời điểm thực hiện quy định về giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, “loa phường”, “loa phố” đã cho thấy rõ hơn tính hiệu quả thiết thực trong tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Loa phường loa phố
Một góc Phường Minh Khai (TP. Phủ Lý). Ảnh: Thế Trang

“Loa phường” là hệ thống loa truyền thanh do nhà nước đầu tư trang bị, còn “loa phố” là do tự phát từ các thôn, tổ phố vận động nhân dân tự nguyện đóng góp, trang bị, duy trì hoạt động nhằm phục vụ công tác tự quản và điều hành công việc chung của thôn, tổ phố. Nhiều năm qua, hệ thống loa truyền thanh này đã phát huy tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, rõ nhất là trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian gần đây. Ông Nhữ Văn Nghĩa (Tổ dân phố 9, Phường Minh Khai, TP. Phủ Lý), nhà gần điểm lắp đặt loa của tổ dân phố) cho rằng: nhờ có “loa phường” mà gia đình tôi đã cập nhật nhanh chóng những thông tin từ cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn địa phương, nhất là những thông tin về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mặc dù đôi khi cũng cảm thấy phiền (vì tiếng loa dội vào nhà, nhất là những lúc đau đầu, nhà có người ốm), nhưng rồi dần dần gia đình cũng quen. Tôi cũng đã góp ý với tổ trưởng dân phố mỗi khi phát sóng nên điều chỉnh âm lượng vừa đủ, phù hợp. Và “đôi khi lâu lâu không thấy tiếng tổ trưởng lên loa thì cũng cảm thấy nhớ nhớ….”, ông Nghĩa vui vẻ chia sẻ.

Thông thường “loa phường” được phát theo hệ thống truyền thanh 4 cấp, với tần suất ngày 3 lần (sáng, trưa, chiều): tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền thình tỉnh, Đài Phát thanh thành phố và chương trình địa phương. Với hệ thống loa thôn, tổ phố, nội dung, thời gian phát sóng do tổ trưởng đảm nhiệm, thường là vào lúc tổ có nội dung cần thông báo tới người dân, như: thông báo họp dân, tổ chức tết Trung thu, việc vận động đóng góp hoặc việc hiếu của các gia đình trong tổ… Trong đợt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hằng ngày hệ thống “loa phố” đều đặn phát vài ba lần (có ngày phát 5- 6 lần) thông tin tới người dân về tình hình dịch bệnh, danh sách người dân trong khu vực thuộc diện nghi nhiễm, biện pháp tự phòng… để mọi người cùng thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Ông Hồ Đắc Thuận (Tổ trưởng Tổ dân phố 9, Phường Minh Khai, TP. Phủ Lý) cho biết: Nguồn thông tin phát trên loa thường là do cấp ủy, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn cấp trên chỉ đạo, cung cấp. Ngoài ra, hằng ngày thông qua các phương tiện truyền thông khác tôi cũng chủ động lựa chọn, biên soạn và kịp thời chuyển tải tới người dân những nguồn tin chính thống, có giá trị thiết thực (như thông báo diễn biến tình hình dịch…).

Có thể thấy, việc tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh giúp cho số đông người dân (nhất là những người không có điều kiện tiếp cận với các loại phương tiện truyền thông khác) có thể kịp thời nắm bắt thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng. Chị Vũ Thị Thu Hương (Phố Phạm Ngọc Thạch, Phường Minh Khai, TP. Phủ Lý) chia sẻ: Mặc dù hiện nay có thể truy cập thông tin trên nhiều phương tiện hiện đại (ti vi, máy tính, điện thoại) nhưng tôi vẫn có thói quen “ngóng” tiếng “loa phường”, “loa phố”, bởi nguồn thông tin từ hệ thống loa truyền thanh rất gần gũi, thiết thực với đời sống hằng ngày của người dân. Chính vì vậy, ngày nào tôi cũng lắng nghe tiếng “loa phường”, “loa phố”. Công việc của tôi là thiết kế thời trang tại nhà nên rất tiện lợi khi vừa làm việc, vừa có thể lắng nghe thông tin của tổ, phường và thành phố. Trong những ngày cao điểm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, ngày nào tôi cũng ngóng “loa phường”, “loa phố”, dường như thuộc lòng các biện pháp phòng dịch. Tôi cho rằng, những thông tin phát trên loa rất hữu ích, nếu không nghe thấy, người ta có thể xao nhãng, không thực hiện, nhưng nếu nghe liên tục những thông tin về tình hình và các biện pháp phòng ngừa thì không chỉ tôi mà các thành viên trong gia đình cũng như số đông người dân đều “thấm” và tự giác chấp hành. Chính vì vậy, thời điểm thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ở khu phố nhà tôi mọi người, mọi nhà thực hiện rất nghiêm, trẻ em cũng ý thức được việc phòng chống dịch nên không đòi ra ngoài chơi như mọi khi. Người già thường hay đi bộ ngoài ngõ phố nhưng khi nghe thông tin trên loa cũng đã tự giác chấp hành.

Trao đổi về những ưu thế của “loa phường”, ông Tạ Ngọc Dũng, Trưởng Đài Phát thanh thành phố Phủ Lý cho rằng: Ưu điểm của hệ thống loa truyền thanh cơ sở rất rõ, đó là giúp người dân cập nhật nhanh chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thông tin tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Đặc biệt, với những tình huống cấp bách (như việc bùng phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua), người dân có thể cập nhật thông tin ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi vui chơi, tập luyện thể thao hay lúc làm việc, sản xuất, kinh doanh. Nghe nhiều sẽ giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu và tự giác thực hiện. Mạng lưới “loa phường” hiện đã phủ kín các xã, phường của thành phố. Tuy nhiên, tại một số cụm loa nằm trong khu dân cư vẫn còn có hộ dân chưa đồng tình ủng hộ, cho rằng không phù hợp, ảnh hưởng tới sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này, Đài Phát thanh thành phố luôn chủ động lắng nghe, tiếp thu và có sự điều chỉnh phù hợp để không làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân như: xoay hướng phát của loa không trực tiếp hướng vào nhà dân; điều chỉnh âm lượng vừa đủ nghe, dễ nghe… nhằm phát huy tối đa tính hiệu quả của “loa phường” trong đời sống xã hội.

“Loa phường”, “loa phố” hay cao hơn là Đài Tiếng nói Việt Nam - loại hình báo chí ra đời sớm ở nước ta đã và đang tiếp tục khẳng định tính hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền. Và tiếng “loa phường”, “loa phố” vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với cuộc sống người dân, cung cấp thông tin thiết thực bổ ích, góp phần sớm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào thực tế đời sống.

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy