Khó khăn trong triển khai hỗ trợ nhà ở cho người nghèo

Quan tâm chăm lo đời sống cho người nghèo bằng các chính sách an sinh kéo dài, trải rộng nhiều năm qua của Đảng, Nhà nước, trong đó có việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đã góp phần ổn định cuộc sống, tạo sinh kế và khuyến khích người nghèo vượt khó vươn lên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn gặp khó khăn bởi những bất cập nảy sinh.

Có động lực nhưng không đủ điều kiện

Theo Sở Xây dựng, kể từ khi triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh đã có 2.326/2.523 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở. Trong đó, có 1.109 hộ được hỗ trợ từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân sách tỉnh và thông qua Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh; 473 hộ được hỗ trợ từ các nguồn khác; 117 hộ tự bỏ kinh phí xây dựng nhà ở... Nguồn kinh phí dành hỗ trợ nhà ở cho người nghèo từ ngân sách tỉnh đạt trên 70 tỷ đồng với hai mức hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng: nhóm 1 gồm người già cô đơn, người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam không có khả năng lao động, những người cùng sinh sống với các cá nhân nhưng không ở trong độ tuổi lao động; nhóm 2 gồm hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn (không có con, các con bị nhiễm chất độc hóa học, khuyết tật không có khả năng lao động); nhóm 3 gồm những đối tượng nghèo thuộc danh sách đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015. Mức hỗ trợ cho các đối tượng thuộc nhóm 1 và 2 là 40 triệu đồng/hộ; nhóm 3 là 30 triệu đồng/hộ.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đơn vị tài trợ trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình ông Lê Văn Ánh, tổ dân phố Bảo Lộc 2, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý.
Ảnh: Lê Yến

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, Đề án hỗ trợ nhà ở cho người nghèo được thực hiện trên địa bàn tỉnh qua các giai đoạn đã góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của Hà Nam. An cư mới lạc nghiệp, người nghèo vì nhiều lý do không thể có nhà hoặc phải ở tạm trong những căn nhà không đủ điều kiện, rất khó có động lực vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng kinh tế để thoát nghèo bền vững. Với khoản hỗ trợ này, hàng nghìn hộ nghèo của tỉnh đã được sửa chữa, xây mới nhà ở trong những năm qua...

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, chưa thực sự sâu rộng để các tổ chức đoàn thể, nhân dân hiểu biết, nắm bắt được đầy đủ chủ trương, ý nghĩa và nội dung đề án, có điều kiện hưởng ứng. Một số địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, tính chủ động chưa cao, sự phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình có mặt thiếu đồng bộ, lúng túng, thiếu chặt chẽ, nên số lượng đối tượng vì nhiều lý do không thực hiện được tương đối nhiều... Chẳng hạn như trường hợp ông Khương Văn Vì, sinh năm 1938, thôn 5, xã Bồ Đề (Bình Lục), là đối tượng người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đây là một trong những người thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo đề án, nhưng do hiện nay ông Vì đang ở trên đất của anh em, trong khi theo quy định của đề án, nhà phải được xây/sửa trên đất của chính đối tượng, thuộc quyền sở hữu đúng pháp luật. Vì thế, nhiều năm nay, không thể triển khai hỗ trợ xây nhà đối với ông Vì được. Trong báo cáo thực hiện Đề án của Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những trường hợp gặp vướng mắc như gia đình ông Vì không phải hiếm.

Một trong những khó khăn, vướng mắc khác gặp phải trong quá trình triển khai đề án còn là sự “vênh” giữa các quy định của đề án và nhu cầu thực tế của người nghèo. Thí dụ, nhiều hộ nghèo nhận thấy phần móng nhà của mình còn tốt hoặc việc phá căn nhà đang ở để xây dựng mới với nguồn hỗ trợ chỉ đáp ứng quy mô tối thiểu 24m2 là không phù hợp nên chỉ muốn cải tạo căn nhà theo hiện trạng. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng “Đề án chỉ hỗ trợ đối với các hộ xây dựng mới nên các huyện, thành phố và Ngân hàng Chính sách gặp nhiều khó khăn trong việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ”; hoặc trong quá trình sửa chữa, cải tạo, do khung tường và kết cấu nhà ở cũ đã hư hỏng nặng, không bảo đảm, cần chuyển sang xây mới, trong khi nguồn lực không đáp ứng. Bởi vì, đối tượng của đề án là những người cực kỳ khó khăn trong cuộc sống, để huy động nguồn lực từ bên ngoài thêm vào xây hoặc sửa nhà theo giá hiện thời là chuyện không dễ dàng.

Cần có sự chung tay của cộng đồng

Năm 2022, bà Trần Thị Vĩnh, thôn Mạnh Tiến, xã Kim Bình (TP Phủ Lý) là hộ nghèo, được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà mới, nhưng phải bán thêm đất mới đủ tiền hoàn thành ngôi nhà. Ảnh: Chu Uyên

Đề án hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ. Trước khi đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo vẫn cần tiếp tục thông qua các kênh, các chương trình hỗ trợ khác ngoài đề án. Theo khảo sát của Sở Xây dựng, số hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở đến hết năm 2020 là 1.742 hộ, dự kiến đến năm 2025 là 4.353 hộ, đến năm 2030 là 6.725 hộ; số hộ cận nghèo có nhu cầu về nhà ở đến hết năm 2020 là 2.089 hộ, dự kiến đến năm 2025 là 5.224 hộ, đến năm 2030 là 6.270 hộ. Toàn tỉnh tính đến hết năm 2023 còn 4.972/5.915 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm tỷ lệ 84,05% so với tổng số hộ nghèo, đó là những đối tượng cần được tiếp cận nhanh, kịp thời chương trình hỗ trợ nhà ở thông qua nhiều kênh. Chương trình xây nhà Đại đoàn kết do Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên phát động nhiều năm qua đã được ghi nhận góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Năm 2023, thông qua chương trình này, toàn tỉnh đã có 198 căn nhà được xây mới với tổng số tiền trên 13,7 tỷ đồng, trong đó hơn 11 tỷ đồng là số tiền xã hội hóa.

So với nhu cầu thực tế về nhà ở của người nghèo, nguồn lực cần đáp ứng cho chương trình, đề án rất lớn. Để hoàn thành tốt kế hoạch, mục tiêu đặt ra, các ngành, các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ trong vận động, tuyên truyền, huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội mạnh mẽ hơn. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng, nếu chỉ dựa vào khoản tiền hỗ trợ chưa đến 100 triệu đồng cho một nhà thì người nghèo rất khó để hoàn thiện được căn nhà do những biến động về giá vật liệu xây dựng... Nhưng cùng với số tiền đó, nếu gia đình, họ hàng, làng xóm chia sẻ, giúp đỡ thêm về đất đai, ngày công, vật liệu xây dựng, hay thêm các khoản hỗ trợ khác thì người nghèo sẽ có nhà để ở. Công tác tuyên truyền cần trúng đích, hiệu quả; các cấp ủy, chính quyền, nhân dân và toàn xã hội tích cực tham gia các chương trình, đề án với trách nhiệm cao sẽ góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy