Đồ ăn vặt cổng trường - chuyện không vặt!

Xúc xích, phô mai que, chả viên chiên, nước ngọt hay snack các loại là món ăn yêu thích của trẻ em. Tuy nhiên, những thực phẩm này bày bán trước cổng trường vẫn luôn là mối lo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm vì không được kiểm soát.

Mỗi chiều tan học tại khu vực cổng trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý), không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh vây quanh những chiếc xe đẩy, thậm chí chỉ là một chiếc bàn nhỏ có chứa những chiếc phô mai, xúc xích, chả viên, thịt xiên… đã được chiên sẵn. Tùy theo nhu cầu của các em, người bán hàng chỉ cần cho thêm tương ớt, tương cà, là các bạn nhỏ có thể thưởng thức ngay, không mất thời gian chờ đợi. Đây cũng là tình trạng chung khi mà các bậc phụ huynh lỏng lẻo trong việc quản lý tiền và xem nhẹ việc con tiếp cận thường xuyên với đồ ăn không được kiểm định. Thậm chí, một số cha mẹ còn tự tay mua đồ ăn không rõ nguồn gốc cho con sau khi để các em thoải mái lựa chọn.

Bên cạnh nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, người chế biến và bán đồ ăn chín cũng không đeo găng tay hay bất kỳ dụng cụ bảo đảm vệ sinh nào khác. Thực phẩm được bày bán ngay sát lề đường, người, xe đi lại nhiều khói bụi và không có vật dụng nào che chắn hay bảo quản. Thực tế, chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy những đồ ăn chế biến trước cổng trường khó có thể bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn vặt vốn là sở thích của nhiều học sinh và không phải em nào cũng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc hay không. Khi được hỏi về vấn đề này, các bạn đều có chung câu trả lời: “Những món đồ ăn này rất ngon, lại rẻ nữa, nên sau khi tan học chúng em thường mua để ăn trong lúc chờ bố mẹ đón. Về nguồn gốc xuất xứ thì chúng em không để ý lắm”.

Những món ăn vặt tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đang được bán tại một số cổng trường học trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hải Yến

Không riêng tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tình trạng bán đồ ăn vặt vẫn đang diễn ra tại một số trường học trên địa bàn thành phố và các địa phương khác trong tỉnh. Ngoài những điểm hàng rong bán đồ chiên sẵn, tại các cửa hàng tạp hóa, nhất là cửa hàng gần các trường học, không khó để bắt gặp hình ảnh các loại kẹo được thiết kế với đủ hình dáng, màu sắc bắt mắt, thu hút học sinh. Điểm chung của những loại sản phẩm này là thường có chữ nước ngoài, không có nguồn gốc rõ ràng, giá thành rẻ, được đóng gói nhỏ, riêng lẻ. Điều này khiến nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại.

Anh Nguyễn Văn Lực, Tổ 3 phường Lê Hồng Phong chia sẻ: Không phải khắt khe, nhưng tôi không bao giờ cho con mình tiền mua đồ ăn vặt trong lúc đi học, vì tôi thấy đồ ăn bán tại các hàng quán trước cổng trường đều không bảo đảm an toàn. Đây cũng là biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho con trước những mối nguy hại tiềm ẩn trong đồ ăn không rõ nguồn gốc.

Tại Hà Nam vẫn chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm do đồ ăn mua tại các hàng quán trước cổng trường. Tuy nhiên, nhiều vụ học sinh nghi bị ngộ độc do ăn kẹo “lạ”, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đã xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại cổng trường đã được cảnh báo từ rất lâu và mối nguy vẫn luôn tiềm ẩn, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của học sinh và mất an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, một trong những giải pháp tích cực mà các nhà trường đã và đang tập trung thực hiện, chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, nhận thức cho các em học sinh và phụ huynh về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cô giáo Vũ Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) cho biết: Với lượng học sinh rất đông, cùng với tăng cường tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, nhà trường luôn đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong tiết chào cờ, tiết sinh hoạt cuối tuần, qua các môn học bằng nhiều hình thức khác nhau để giúp các em nhận biết được tác hại, nêu cao ý thức cảnh giác trước thực phẩm không bảo đảm chất lượng, cách lựa chọn thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, quán triệt các em không mua quà vặt ở các cửa hàng bán rong trước cổng trường; quản lý tốt học sinh trong các giờ ra chơi... Việc bán hàng rong ở ngoài cổng trường không thuộc phạm vi quản lý của nhà trường và thực phẩm bày bán cũng không bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, an toàn. Do đó, nhà trường cũng nhắc nhở phụ huynh không cho con tiền để mua đồ ăn vặt.

Hàng quà vặt “chiếm lĩnh” cổng trường với những đồ ăn, thức uống giá rẻ và chất lượng không được kiểm soát không còn là vấn đề mới, song cũng chưa bao giờ là câu chuyện cũ. Thiết nghĩ, bảo vệ học sinh trước những mối nguy hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Do đó, để giải quyết triệt để các quán hàng rong tại cổng các trường học, cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.

Cùng với sự nỗ lực của các nhà trường trong công tác tuyên truyền, giáo dục, mỗi bậc phụ huynh cần có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe con em mình. Trong đó, quan tâm, chuẩn bị những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho con trước khi đến lớp; không cho con tiền để mua, sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn không rõ nguồn gốc.

Chính quyền sở tại cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những điểm bán hàng rong tại khu vực cổng trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy