Trong cái giá lạnh của thời tiết đêm giao thừa, khi dòng người đổ xô đến những điểm vui chơi, chờ đón màn bắn pháo hoa ở Trung tâm thành phố, những người lao công vẫn miệt mài với công việc. Hết chuyến này đến chuyến khác, hết con ngõ này đến con đường kia... bàn tay của những người lao công liên tục, không nghỉ.
Chị Nguyễn Thị Vân, xí nghiệp Môi trường 1, gần 18 năm trong nghề với hàng chục lần trực làm đêm giao thừa. Chị nói, năm nào công ty cũng huy động 100% quân số làm việc ngày 30 Tết. Có những người phải làm 3 ca trong ngày. Nhiều năm, phải 3-4h sáng chị mới về đến nhà sau khi công việc của mình hoàn thành.
Chị rời khỏi nhà vào lúc hơn 23h để tiếp tục làm ca đêm. Hôm nay, gia đình cúng tất niên, nhưng chồng và các con chị thay chị làm việc đó. Họ đã quen với việc chị vắng nhà vào ngày 30 Tết. Chị nói: “Nếu phải ước điều gì vào lúc này, khi những màn pháo hoa đang bung nở đẹp đẽ trên bầu trời, khi những gương mặt rạng ngời hạnh phúc của những đôi trẻ ngước nhìn ánh sáng lung linh trên bầu trời, tôi chỉ mong những con đường không bao giờ có rác.”
Điều ước giản dị nhưng khó thành hiện thực. Bởi vì, vào những ngày bình thường, cả thành phố Phủ Lý xả thải khoảng 115 đến 120 tấn rác sinh hoạt. Ngày Tết, lượng rác thải xả ra tăng gấp 3-4 lần ngày thường. Thời gian, công suất làm việc của những công nhân môi trường ngày Tết cũng vì thế mà tăng lên. Rất ít người trong số trên 350 cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty Cổ phần Môi trường và công trình đô thị được nghỉ trọn vẹn ngày 30 Tết hay trong những ngày Tết.
Đúng lúc đẩy xe đi, pháo hoa nổ rực trời. Người đồng nghiệp của chị Vân là Nhung nức nở khóc. Nhung nhà ở phường Lam Hạ, chồng chị đêm nay cũng trực giao thừa ở công ty, ở nhà chỉ có mấy đứa con nhỏ. Nhung khóc vì thương con. Nhung nói, chị đã trong nghề được 6 năm, lần này làm ca đêm giao thừa khi chồng không có nhà, các cháu rất buồn và lo lắng… Chị Vân ôm lấy Nhung an ủi, cả hai dành cho nhau sự sẻ chia đặc biệt giữa khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng lạnh giá!
Đây là năm đầu tiên anh Đoàn Hưng Giang, 28 tuổi, quê ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm trực giao thừa. Giang mới vào công ty làm được 6 tháng, chưa có gia đình nên không mấy vướng bận. Tuy nhiên, cảm giác phải làm thâu đêm giao thừa cho anh một niềm vui cống hiến. Giang nói: “Em không hề buồn chút nào! Đội của em còn có nhiều chị năm nào cũng phải trực 30 Tết, các chị rất vui vẻ và hăng hái”
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc công ty cho biết: Vào những ngày này, lịch trực Tết của công ty là 100% quân số thuộc tất cả các lực lượng ở 5 xí nghiệp. Nếu ngày thường, anh em sẽ làm hết việc vào lúc 11h đêm, thì ngày Tết, người cuối cùng được trở về nhà sẽ vào lúc 4h sáng. Đó là lúc các công việc thu gọm, vận chuyển rác thải đã hoàn thành.
Để động viên người lao động, Công ty Cổ phần môi trường và Công trình đô thị có quy định rõ ràng, cụ thể về chế độ tiền bồi dưỡng đối với các nhân viên trực Tết ngoài tiền lương, thù lao. Chị Nguyễn Thị Vân công nhân xí nghiệp môi trường chia sẻ: “Chúng tôi đã quá quen với công việc, quen với thời tiết khắc nghiệt ngoài trời. Vì thế, bao nhiêu đêm 30 Tết, anh chị em hăm hở đi làm dù khá mệt nhọc. Chúng tôi chỉ mong hậu phương ở nhà chia sẻ và giúp đỡ chúng tôi công việc nhà trong những ngày bận rộn này để anh chị em yên tâm làm việc, bớt phải lo lắng, suy nghĩ.”
Càng về đêm, nhiệt độ ngoài trời càng lạnh. Người người trở về nhà sau khi đi lễ chùa, xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa. Chỉ có tiếng chổi tre và những chiếc xe rác lăn trên đường dưới ánh đèn vàng đường phố. Vài tiếng nữa trời sẽ sáng, sẽ bắt đầu ngày đầu tiên của năm mới, các con đường sạch sẽ, gọn gàng, thành phố sẽ lung linh, quang sáng hơn trong ngày mồng Một Tết. Những người lao công sẽ về nhà, đón Tết một cách bình thường khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ của ngày cuối năm!
Giang Nam