Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 bến đò ngang đang hoạt động, chủ yếu trên sông Hồng và sông Đáy. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy của chủ phương tiện cũng như người dân chưa nghiêm túc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đã đến gần.
Bến đò Phú Hậu, xã Phú Phúc (Lý Nhân) đã hoạt động nhiều năm nay. Những chuyến đò ngang là phương tiện được người dân hai bên bờ sông Hồng thuộc huyện Lý Nhân và huyện Vũ Thư (Thái Bình) sử dụng để vận chuyển người, xe cộ, hàng hóa. Trung bình mỗi ngày, bến đò này đưa đón từ 500-700 lượt người qua lại. Quan sát của chúng tôi cho thấy, tại bến đò này luôn có hai con đò luân phiên hoạt động.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là khi qua sông, cả chủ đò và hành khách đều không sử dụng dụng cụ nổi cầm tay hoặc mặc áo phao theo quy định. Cùng với đó, đường đi xuống bến đò dốc lại nhỏ hẹp nên nguy cơ mất an toàn rất cao. Thậm chí, khi ở trên đò, một số hành khách còn ngồi vắt vẻo trên yên xe máy ngay cạnh mạn thuyền, một số dựng xe trên đò rồi đến gần thành đò để hóng gió.
Anh Nguyễn Đăng Thế, một hành khách qua đò cho biết: Tôi đam mê nghề câu sông nên hầu như sáng nào tôi cũng qua sông bằng đò này để tiết kiệm thời gian. Bến đò này lượng khách cũng khá đông, nhất là thời điểm sáng sớm và chiều muộn. Bản thân tôi biết bơi, mặt khác chủ phương tiện cũng chẳng mấy khi nhắc nhở nên không chỉ riêng tôi mà nhiều người đi đò cũng không mặc áo phao. Cũng đề cập đến vấn đề mặc áo phao khi qua đò, chị Nguyễn Thị Hạnh, một hành khách thản nhiên cho rằng: Tôi thường qua lại bến đò này nhưng có thấy ai mặc áo phao bao giờ đâu, mà mặc làm gì, sang sông chỉ vài phút thôi, có sao đâu.
Quan sát tại bến đò ngang thuộc thôn Trung Hiếu Hạ, xã Thanh Hải (Thanh Liêm) chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Do đi vòng đến cầu Kiện Khê xa hơn nhiều so với đi đò nên người dân 2 thôn bên sông lựa chọn đò để vận chuyển người, phương tiện, hàng hóa là chính. Đặc biệt, bến đò này hằng ngày còn chở một số lượng học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông qua đây để đi học và trở về nhà. Tuy nhiên, người dân địa phương lại cho rằng chỉ khi nào mưa lớn, nước sông dâng cao hoặc khi có đoàn kiểm tra thì mới mặc áo phao khi qua đò, còn bình thường thì không. Theo đại diện chủ đò Trung Hiếu Hạ, trên phương tiện đều trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, tuy chủ đò đã nhắc nhở nhưng người dân đều cho rằng thời gian ở trên đò không lâu, mặc áo phao vướng víu, bất tiện nên không mấy người tuân thủ.
Tình trạng vi phạm ATGT không chỉ diễn ra tại 2 bến đò trên mà đã và đang diễn ra phổ biến ở các bến đò ngang sông trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 bến đò ngang đang hoạt động, chủ yếu trên sông Hồng và sông Đáy. Các bến đò đều trong tình trạng hạ tầng không bảo đảm, phương tiện cũ kỹ. Đường đi xuống bến đò dốc lại nhỏ hẹp, không có nhà chờ nên nguy cơ mất an toàn rất cao. Ý thức của chủ đò và khách qua đò hạn chế. Một số chủ đò, người điều khiển phương tiện cơ bản chưa hoàn thiện bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Để giảm chi phí, nhiều chủ đò đã tìm cách hạn chế thấp nhất việc mua sắm trang thiết bị bảo đảm an toàn, hoặc đầu tư nâng cấp, sửa chữa phương tiện của mình. Bên cạnh đó, không ít người dân chưa chú trọng bảo vệ tính mạng cho mình nên còn chủ quan, lơ là. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền nơi có bến đò ngang hoạt động tại địa phương mình còn lơi lỏng công tác quản lý, thiếu sự giám sát, chưa chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về những quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa dẫn đến người dân chưa hiểu hết những quy định của pháp luật khi qua đò.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương nơi có bến đò cần có những giải pháp hữu hiệu tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Theo đó, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các chủ bến đò phải thường xuyên kiểm tra an toàn kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện theo định kỳ; yêu cầu người điều khiển phương tiện phải có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề theo quy định. Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò không bảo đảm điều kiện an toàn.
Đối với cấp ủy, chính quyền nơi có bến đò ngang hoạt động cần quan tâm hơn nữa công tác quản lý, giám sát việc chấp hành pháp luật của các chủ bến, chủ phương tiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn người dân thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ mình.
Quang Huy