Mỗi dịp hè về nhu cầu học bơi và bơi của các em thiếu niên, nhi đồng lại tăng đột biến. Từ nhu cầu thực tiễn, thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống bể bơi ở một số xã trong tỉnh. Hệ thống bể bơi này không chỉ giúp các em vui chơi, rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần tích cực trong công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em.
Dù đã chiều muộn nhưng bể bơi Thành Đạt, Thôn 4, xã Chính Lý (Lý Nhân) vẫn còn rất đông trẻ em đến tập bơi. Dưới hồ bơi là những tiếng đập nước bì bõm hòa quyện cùng tiếng cười đùa từ các em nhỏ đã tạo nên một không khí náo nhiệt. Phía trên sân là những bậc phụ huynh đang theo dõi, quan sát con mình bơi lội với nét mặt vui tươi, phấn khởi.
Nguyễn Văn Đức, Thôn 2, xã Chính Lý hồ hởi nói: Trước đây, khi chưa có bể bơi, mỗi dịp hè, cháu cùng nhóm bạn thường ra sông gần nhà để bơi lội, nô đùa. Tuy nhiên, từ khi có bể bơi này, cháu đăng ký học lớp dạy bơi do Đoàn Thanh niên xã tổ chức và cháu đã biết được những kỹ năng cơ bản về bơi lội. Bơi lội không chỉ giúp cháu được vui chơi, rèn luyện sức khỏe mà còn giúp cho cháu được học những kỹ năng cơ bản về phòng, chống đuối nước.
Bác Nguyễn Văn Công, xã Văn Lý chia sẻ: Tôi có 2 cháu nội, cháu lớn 14 tuổi, cháu bé 12 tuổi. Khi hè đến chúng thường xuyên đòi ra ao ở quanh làng tập bơi nhưng không bảo đảm an toàn nên tôi nghiêm cấm. Tuy nhiên, khi có bể bơi này, tôi đã đưa các cháu đến đây để học bơi nên chúng rất thích thú. Được trang bị kỹ năng bơi lội tôi thấy rất hữu ích trong việc rèn luyện sức khỏe, phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ.
Bể bơi Thành Đạt được đưa vào sử dụng từ năm 2019 với diện tích trên 200m2 và được chia làm 2 ngăn. Một ngăn có độ sâu 0,6m dành cho trẻ em và 1 ngăn sâu 1,6m dành cho người lớn. Bể có mái che, có quy chế chung bể bơi, có huấn luyện viên là các thầy giáo chuyên nghiệp, có hệ thống nhân viên cứu hộ luôn túc trực cùng một hệ thống lọc xử lý nước cấp cho bể bơi bảo đảm theo quy định.
Anh Nguyễn Huy Hiệp, giáo viên Trường THCS xã Chính Lý, đồng thời là chủ bể bơi Thành Đạt cho biết: Xuất phát từ tình hình trẻ em vùng nông thôn bị đuối nước do tắm sông, ao, hồ, cộng với nhu cầu vui chơi của trẻ em mỗi dịp hè, năm 2019, tận dụng diện tích đất vườn trước cửa nhà tôi đã xây dựng bể bơi với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Sau khi đưa vào hoạt động đến nay, trung bình mỗi ngày bể bơi đón từ 100-150 người đến tắm và học bơi. Ngoài ra, hằng năm tôi còn phối hợp cùng tổ chức đoàn một số địa phương tổ chức 15-20 lớp dạy bơi, thu hút từ 450-500 em thiếu niên, nhi đồng tham gia.
Bể bơi huyện Kim Bảng được UBND huyện Kim Bảng đầu tư, xây dựng từ năm 2020 với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bể bơi tạm thời đóng cửa. Hè năm nay, bể bơi trở lại hoạt động bình thường, hiện tại, trung bình mỗi ngày bể bơi đón từ 450-500 em đến bơi, học bơi; riêng ngày thứ 7, chủ nhật số lượng tăng 700-800 lượt người. Cách quản lý bể bơi và dạy bơi ở đây hết sức chuyên nghiệp. Có nội quy chung bể bơi, có huấn luyện viên là các thầy giáo chuyên nghiệp, có hệ thống nhân viên cứu hộ luôn túc trực cùng một hệ thống lọc xử lý nước cấp cho bể bơi bảo đảm theo quy định. Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ như nhà điều hành, phòng thay quần áo đáp ứng yêu cầu người đến bơi và học bơi.
Anh Đỗ Văn Quang, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) chia sẻ: Trước đây chưa có bể bơi, tuần 3 buổi tôi phải đưa cháu xuống TP Phủ Lý để bơi. Tuy nhiên, từ ngày có bể bơi này ngày nào tôi cũng cho cháu xuống bơi vào mỗi buổi chiều. Giá vé cũng phù hợp với thu nhập của người dân, 20 nghìn đồng/lượt, vé tháng là 350 nghìn đồng/người/tháng. Tôi nghĩ rằng việc xây dựng các bể bơi ở vùng nông thôn là rất cần thiết trong việc rèn luyện sức khỏe cũng như phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 68 bể bơi, trong đó, 14 bể bơi được xây dựng kiên cố, 54 bể bơi di động được đặt tại các địa phương và khu nhà đa năng của trường học. Hệ thống bể bơi này cơ bản được xây dựng theo hình thức xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh. Hệ thống bể bơi được đầu tư xây dựng rộng khắp trên địa bàn, đang hướng về vùng nông thôn.
Có thể nói, việc thiếu sân chơi cho trẻ trong mỗi dịp hè, đặc biệt là vùng nông thôn khiến nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn. Trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất đối với các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em, thì việc các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống bể bơi tại vùng nông thôn là việc làm ý nghĩa, thiết thực. Đây cũng là hướng đi mới với mong muốn mang lại cho các em một mùa hè thực sự an toàn, lành mạnh. Từ những mô hình này, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện xã hội hóa việc xây dựng bể bơi tại vùng nông thôn, góp phần hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Trần Ích