Năm 2022, một trong những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh chính là công tác mời gọi, thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tổ chức thành công các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nuớc ngoài, trong năm qua, tỉnh Hà Nam đã thu hút được nhiều dự án mới và tiếp tục trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Với phương châm luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, năm 2022 tỉnh Hà Nam đã quyết liệt triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, tinh gọn, minh bạch và công khai; tổ chức các hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư; hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án bảo đảm đúng tiến độ cam kết; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới; chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; duy trì thực hiện có hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư trên cơ sở kế thừa và có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, trong năm qua, tỉnh Hà Nam đã tổ chức thành công các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Theo đó, công tác thu hút đầu tư đã đạt được kết quả nổi bật.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, tỉnh đã thu hút được 54 dự án, tăng 28,6% so với cùng kỳ, bao gồm 17 dự án FDI và 37 dự án trong nước; thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 60 dự án, tăng 76,5% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.116 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 357 dự án FDI và 759 dự án trong nước. Riêng tại các KCN của tỉnh, năm 2022, Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 44 dự án, bao gồm 16 dự án FDI và 28 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký mới trên 161,7 triệu USD và trên 5.800 tỷ đồng. Từ đó nâng tổng số dự án trong các KCN lên 527 dự án, gồm 314 dự án FDI và 213 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 4.838 triệu USD và trên 41.600 tỷ đồng. Trong năm 2022, có 31 doanh nghiệp trong KCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị và đi vào hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trong các KCN lên 436 doanh nghiệp.
Nói về công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh, ông Trần Văn Kiên, Trưởng BQL các KCN tỉnh nhấn mạnh: Để tăng sức hấp dẫn của các KCN đối với các nhà đầu tư, trong năm qua, BQL các KCN tỉnh đã quan tâm, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng các KCN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh rà soát, nắm bắt thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN tuyển dụng lao động; nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp, nhất là việc cấp điện, nước, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong các KCN. Năm 2022, tỉnh Hà Nam đã tiếp 12 đoàn khách đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh, trong đó có nhiều đoàn khách đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đan Mạch… Công tác thu hút đầu tư của Hà Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều triển vọng khi thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm 2022 đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm và lên kế hoạch sang nghiên cứu, khảo sát thực tế tại tỉnh Hà Nam trong thời gian tới để đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục – đào tạo…
Theo kế hoạch, năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 50.764,4 tỷ đồng, tăng 10,2%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 201.480 tỷ đồng, tăng 14,3%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2022. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chiếm 55% giá trị sản xuất và phát triển công nghiệp trong các KCN là mũi nhọn, động lực chính trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, tiếp tục cập nhật, sửa đổi các quy định khuyến khích, ưu đãi đầu tư áp dụng tại tỉnh cho phù hợp với các quy định mới của Chính phủ nhằm hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư.
Song song với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, như: quy hoạch, xây dựng, đất đai; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc nhà đầu tư, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng thị trường, nguồn lao động, đối tác và cơ hội đầu tư vào tỉnh; củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, trong đó tập trung vào các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước ở châu Âu, châu Mỹ… để giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư về tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh.
Với lợi thế là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông hiện đại kết nối liên hoàn; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, nguồn nhân lực dồi dào, dự báo năm 2023 và trong những năm tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đón những “làn sóng” đầu tư mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong thu hút đầu tư, Hà Nam khẳng định cam kết nhất quán của tỉnh là luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện đầu tư tại tỉnh.
Nguyễn Oanh