Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.
Tại thành phố Phủ Lý trong 6 tháng đầu năm công tác giải phóng mặt bằng tập trung vào các dự án lớn khu đô thị, khu nhà ở, khu trung tâm thương mại dịch vụ, dự án giao thông kết nối như: Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp; dự án Đường Lê Công Thanh giai đoạn 3; dự án nền đường và hệ thống thoát nước khu vực đoạn tuyến từ Đường Lê Duẩn đến quốc lộ 1A...
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Phủ Lý cho biết: Từ đầu năm đến nay, thành phố đang triển khai giải phóng mặt bằng 110 dự án. Trong tổng số dự án trên đã phê duyệt 31 phương án với tổng giá trị 65,5 tỷ đồng, thực hiện chi trả tiền 36 dự án với tổng kinh phí là 61,8 tỷ đồng; đã trình HĐND thành phố thông qua 14 dự án với tổng mức đầu tư 129,997 tỷ đồng từ nguồn dự phòng và nguồn chỉnh trang đô thị trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và thông qua điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tổng vốn đầu tư công giải ngân 06 tháng đầu năm của Phủ Lý đạt 299,716 tỷ đồng, bằng 35,5% Nghị quyết HĐND thành phố giao.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là chi phí sản xuất tăng cao. Song Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Nhận định được những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, các doanh nghiệp đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư theo cam kết với tỉnh. Tại dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường nối vành đai 4 - vành đai 5 qua quốc lộ 38 đến quốc lộ 21 huyện Kim Bảng có tổng mức đầu tư 1.496.000 triệu đồng.
Để bảo đảm kế hoạch giải ngân, nhà thầu đã tập trung nhân lực, trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công. Tại gói thầu số 16 (xây dựng tuyến đường chính) có nhiều hạng mục đã được thi công cơ bản hoàn thiện. Gói thầu số 17 (xây dựng cầu Tân Lang, tuyến nhánh và hệ thống điện chiếu sáng) đã thi công xong 16/16 cọc khoan nhồi cầu qua kênh PK, 30/32 dầm bản, tường thân mố M1, đang triển khai thi công mố M2… Lũy kế số vốn đã giải ngân 586.842 triệu đồng.
Còn tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối quốc lộ 38 (khu quy hoạch trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên) đến đê sông Hồng có hạng mục cầu đã thực hiện thi công xong toàn bộ phần cọc khoan nhồi, mố trụ và thân trụ cầu… Lũy kế số vốn đã giải ngân 149.869 triệu đồng trên tổng mức đầu tư 469.000 triệu đồng.
Trên địa bàn toàn tỉnh, khối lượng vốn Nhà nước thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023 chủ yếu tập trung ở các công trình, dự án lớn, trọng tâm như: Dự án đầu tư Đường Lê Công Thanh giai đoạn 3; đường kết nối quốc lộ 38B đến đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng tuyến đường trục vành đai kinh tế T4 huyện Thanh Liêm… Tính đến ngày 20/6/2023, tổng số vốn giải ngân đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh 1.950.045 triệu đồng, bằng 26,5% kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm và 25,4% so với kế hoạch phấn đấu của tỉnh.
Hằng năm, việc lập, giao kế hoạch vốn đầu tư công được tỉnh chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và bố trí vốn cho các dự án đúng với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Nguyên nhân do cả khách quan và chủ quan: giá cả thị trường biến động mạnh gây khó khăn cho các đơn vị thi công, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm và chậm hướng dẫn khai thác vật liệu đưa vào sử dụng cho công trình…
Chẳng hạn như tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường nối vành đai 4 – vành đai 5 qua quốc lộ 38 đến quốc lộ 21 huyện Kim Bảng có tổng diện tích đất thu hồi 697.779m2 nhưng mới có 518.636m2 (tuyến chính) thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. Thêm nữa dự án được phê duyệt cho phép khai thác, tận dụng khoáng sản làm vật liệu phục vụ thi công xây dựng, song đến nay phương án khai thác, tận dụng vật liệu chưa được các sở, ngành chấp thuận, hướng dẫn thực hiện. Riêng dự án cầu Tân Lang, mặc dù đã có chủ trương chấp thuận cấp phép thi công của Cục quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, đơn vị xây dựng đã triển khai công tác chuẩn bị thi công từ tháng 1/2023 nhưng đến đầu tháng 7 vẫn chưa có mặt bằng xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Nam, phụ trách thi công Dự án cầu Tân Lang cho biết: Dự án đang phải chờ mặt bằng, nên chưa thể triển khai thi công. Hiện đơn vị đang chuẩn bị khoan nhồi 2 trụ giữa sông kết hợp với bảo đảm an toàn giao thông. Cả hai phía đầu cầu đều chưa có mặt bằng sạch. Nếu so với kế hoạch đề ra hiện dự án đang chậm tiến độ 6 tháng. Vì vậy đơn vị rất mong các cấp, ngành tỉnh Hà Nam quan tâm tháo gỡ khó khăn, sớm bàn giao mặt bằng để triển khai thi công, đáp ứng tiến độ chung của dự án cũng như kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh.
Cùng trên địa bàn huyện Kim Bảng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành quốc lộ 21, mặc dù tuyến đường chỉ dài hơn 4 km nhưng từ khi khởi công đến nay, việc thi công hết sức khó khăn do mặt bằng được bàn giao theo kiểu “xôi đỗ”. Ông Giang Huy Anh, phụ trách dự án cho biết: Hiện nay dự án đang triển khai thi công từng đoạn một. Có đoạn dài 200 - 300m, đoạn chỉ dài 80m nên thi công gặp nhiều khó khăn và tốn kém. Chúng tôi đề nghị UBND huyện Kim Bảng khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc (đặc biệt trong công tác thẩm định phương án) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB và bố trí tái định cư sớm bàn giao đất tổ chức thi công.
Trước thực tế trên, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và để đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã triển khai để đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023. Cụ thể là tăng cường phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân từng tháng cho từng dự án theo biểu đồ tiến độ; thường xuyên tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện từng công trình, từng dự án, bao gồm tiến độ thi công, năng lực nhà thầu, khối lượng nghiệm thu so với kế hoạch vốn đã được giao… Xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, không đáp ứng được chất lượng công trình, các cá nhân cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Để đạt được kết quả trên, theo ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và hướng dẫn về đầu tư xây dựng cơ bản. Thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị, xây dựng và ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với thực tiễn. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm cơ bản giải ngân 100% kế hoạch vốn đã giao năm 2023 và nguồn vốn chuyển tiếp năm 2022 sang năm 2023. Hạn chế để phát sinh mới nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thanh Bình