kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp ở Hà Nam

Thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp ở Hà Nam

Với quan điểm, phát triển nhà ở trên địa bàn phù hợp với chiến lược nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh theo từng giai đoạn bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện nhà ở. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH) cho công nhân và người thu nhập thấp trên địa bàn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2025, Hà Nam sẽ hoàn thành 327.266 m2 sàn nhà ở cho các đối tượng xã hội; trong đó, có 229.900 m2 sàn nhà ở cho công nhân, rất nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết đồng bộ. Đó chính là nội dung trao đổi của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam.

Thiết chế công đoàn tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên. Ảnh: Thu Minh

P.V: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội và triển khai thực hiện  có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021- 2030”, Hà Nam đã được đánh giá là một trong những địa phương tích cực triển khai các dự án NOXH. Điều đó, được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huy: Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP/2022 của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, như ban hành Đề án Hỗ trợ vốn tín dụng để mua, thuê mua NOXH tại Quyết định số 1865/QĐ-UBND ngày 05/10/2022, đôn đốc Văn bản số 1034/UBND-GTXD ngày 30/5/2023 để chỉ đạo thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021- 2030”. Kết quả đã đầu tư xây dựng hoàn thành 1 dự án NOXH và 4 dự án đang triển khai thi công. Năm 2023, đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 01 dự án NOXH và 08 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quỹ đất để đầu tư xây dựng NOXH. Đồng thời, tỉnh cũng đã quy hoạch, bố trí 31 vị trí với quỹ đất khoảng 150ha trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để làm NOXH (trong đó quỹ đất dành cho nhà ở công nhân khoảng 103ha).

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 419 cá nhân đủ điều kiện được vay vốn để xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà để ở hoặc mua NOXH với số tiền cho vay đạt 189.375 triệu đồng, trong đó có 12 người lao động đã được vay vốn mua NOXH với số tiền 4.900 triệu đồng; số hồ sơ này thuộc diện người có công, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ trong lực lượng vũ trang và người lao động tại các doanh nghiệp trong, ngoài KCN. Cùng với các cá nhân, Hà Nam cũng có 01 dự án đã được vay vốn từ ngân hàng thương mại. Đó là, dự án xây dựng Khu NOXH tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, số tiền được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cam kết cho vay là 170 tỷ đồng, đã giải ngân khoảng 17 tỷ. Các dự án còn lại đang trong quá trình tiếp cận ngân hàng và thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng.

P.V: Được biết, hiện nay, cùng với 2 Dự án NOXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và 3 Dự án NOXH cho công nhân KCN, hiện Hà Nam cũng đã bố trí quỹ đất NOXH ở các KCN và các khu đô thị (thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, do có những khó khăn vướng mắc nhất định nên đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các dự án nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp. Vậy, theo ông, đâu là “nút thắt”?

Ông Nguyễn Quang Huy:  Tiến độ triển khai các dự án NOXH chậm có rất nhiều nguyên nhân đã được nêu ra tại các hội nghị của tỉnh, như: khó khăn, vướng mắc về cơ chế; sự ảnh hưởng do biến động bất thường của nền kinh tế trong nước; sự “đóng băng” của thị trường bất động sản... Tuy nhiên, “nút thắt” chính nằm ở vấn đề giải quyết khả năng tiêu thụ sản phẩm NOXH nhằm đẩy nhanh thời gian thu hồi vốn của các chủ đầu tư. Việc mở rộng đối tượng được mua, thuê, thuê mua NOXH và đơn giản hóa thủ tục xét duyệt cũng là một trong những đề xuất để tháo gỡ “nút thắt” trong việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”.

Theo quy định hiện nay, đối tượng được mua, thuê, thuê mua NOXH đều phải bảo đảm đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có NOXH, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, thẩm định về đối tượng, điều kiện... Vì vậy các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện (người dân phải xác nhận các hồ sơ tại công ty, chính quyền địa phương, sau đó nộp cho chủ đầu tư; chủ đầu tư rà soát, lập danh sách sau đó gửi Sở Xây dựng để xác minh; Sở Xây dựng phối hợp với UBND cấp huyện, cơ quan thuế và các đơn vị có thẩm quyền cấp căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để xác minh,…). Người thu nhập thấp, để thuê NOXH (không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở) cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh 03 điều kiện nêu trên.

Về thủ tục xác minh đối tượng: Theo quy định Sở Xây dựng là đầu mối tiếp nhận thông tin của các chủ đầu tư về danh sách đối tượng đăng ký mua, thuê, thuê mua NOXH. Các đơn vị quản lý về đất đai, cơ quan thuế tỉnh, UBND cấp huyện đã chủ động phối hợp tích cực trong việc kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xác minh thông tin của các đối tượng rất khó khăn do hiện nay hệ thống dữ liệu thông tin về nhà ở, đất ở chưa hoàn thiện nên việc kiểm tra thực trạng nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh mất nhiều thời gian. Các cá nhân đăng ký dữ liệu liên quan đến thuế ngoài tỉnh hoặc chưa đăng ký mã số thuế cá nhân sẽ dẫn đến khó khăn khi kiểm tra, xác minh. Pháp luật về thuế thu nhập cá nhân không quy định về khái niệm “thu nhập thường xuyên không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập hàng tháng” (chỉ có quy định về kỳ tính thuế). Một số cá nhân kê khai không trung thực (đã có nhà nhưng vẫn kê khai chưa có nhà, hoặc thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn kê khai thuộc đối tượng không phải nộp thuế…) dẫn đến việc kiểm tra của các cơ quan mất rất nhiều thời gian.

Các công nhân làm trong khu công nghiệp mới được mua, thuê, thuê mua nhà ở công nhân xây dựng cho khu công nghiệp đó nên đã hạn chế công nhân ở các khu công nghiệp khác có nhu cầu. Một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhu cầu mua/thuê nhà ở trong dự án nhà ở công nhân để phục vụ người lao động làm việc tại doanh nghiệp mình nhưng quy định hiện tại không cho phép doanh nghiệp được mua/thuê/thuê mua.

P.V: Trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, Hà Nam phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành 327.266 m2 sàn nhà ở cho các đối tượng xã hội; trong đó, có 229.900 m2 sàn nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức; nhiều rào cản về cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ; phải chăng mục tiêu này sẽ rất khó hoàn thành, thưa ông?  

Ông Nguyễn Quang Huy: Hiện nay, Luật nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua và đã có nhiều quy định nhằm phát triển NOXH, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các chủ đầu tư, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ như cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư, mở rộng đối tượng được mua, thuê, thuê mua NOXH, đơn giản hoá thủ tục xét duyệt đối tượng… đặc biệt là quy định về đầu tư xây dựng nhà lưu trú trong KCN để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân các KCN. Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2025, Luật nhà ở mới có hiệu lực thi hành, do đó từ thời điểm này đến khi Luật nhà ở mới có hiệu lực (khoảng 1 năm) các quy định về quản lý và phát triển NOXH vẫn phải thực hiện theo Luật nhà ở 2013 và các nghị định hướng dẫn. Do đó, nhiều vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện vẫn chưa được giải quyết đặc biệt là đối tượng được mua, thuê, thuê mua NOXH.

P.V: Khó không có nghĩa là không làm được, vậy theo ông giải pháp ở đây là gì?

Ông Nguyễn Quang Huy: Thiết nghĩ, Chính phủ cần sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn về phát triển NOXH và thời điểm có hiệu lực để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, đối tượng được hưởng chính sách. Cùng với đó, các cấp, ngành cũng cần quan tâm, chỉ đạo, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, bố trí quỹ đất, phát triển nhà lưu trú công nhân. Tiếp tục rà soát, bố trí đủ quỹ đất nhà ở phục vụ lao động các KCN, cụm công nghiệp theo quy định; thường xuyên đôn đốc các dự án NOXH đã khởi công xây dựng để hoàn thành mục tiêu của đề án; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các dự án được sớm nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định; Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ thi công, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành và rút ngắn thời gian thi công.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy