Sáng 11/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đống chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp và một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thích ứng bối cảnh mới.
Theo đó, khu vực DN thời gian qua đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng khá. Tính đến tháng 7/2022, cả nước có 871.000 DN đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng 13% so với năm 2019. Trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 130.000 DN gia nhập và quay lại thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,4 lần số DN rút lui khỏi thị trường.
Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường của DN, nhất là thị trường nội địa phục hồi 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ kết quả đạt được cũng như những khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, có ý kiến kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp tháo gỡ.
Một số khó khăn, thách thức chủ yếu được các DN đưa ra là: Vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây khó khăn cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, làm tăng chi phí sản xuất của DN; DN tại một số ngành nghề, lĩnh vực bị thiếu lao động cục bộ; chi phí liên quan đến người lao động tăng; DN khó tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất, giảm đơn hàng cuối năm gia tăng…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương kết quả đạt được, sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đạt được những thành quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, hoạt động đối ngoại. Trong thành quả đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nhân, DN.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng với DN. Chính phủ sẽ cùng với các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực điều hành, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, rà soát những khó khăn, vướng mắc của DN để có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về pháp lý, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho DN; hỗ trợ DN khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động tại một số ngành, lĩnh vực, địa bàn; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo kỹ năng cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức hội, hiệp hội DN chủ động nghiên cứu, nhận diện, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng thị trường mới của các ngành, lĩnh vực để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ cho DN hội viên, ngành hàng; cung cấp cho DN hội viên các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, đào tạo nhân lực.
Đối với DN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mỗi DN cần phát huy hơn nữa tinh thần dân tộc, tự lực, tự cường, đoàn kết, đồng lòng, hợp tác cùng phát triển; chú trọng xây dựng văn hoá DN, đạo đức DN, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Cộng đồng doanh nhân, DN cần chủ động, sáng tạo, nắm bắt, đón đầu các xu hướng đầu tư kinh doanh mới; thực hiện tái cấu trúc DN, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản phẩm; mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới, công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại; tăng cường liên kết, hợp tác với các DN, đặc biệt là DN sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các DN trong và ngoài nước; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cấu trúc lao động để thích ứng, đón đầu các xu hướng mới của thị trường…
Nguyễn Oanh