Thị trường bất động sản trầm lắng

Mấy tháng trở lại đây, thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng trầm lắng cục bộ. Số lượng người bán nhiều hơn người mua, song giá BĐS vẫn không giảm nhiều. Trong thời gian này, nhiều người có nhu cầu thực tế mua nhà đất để ở đang chờ đợi giá BĐS giảm sâu mới quyết định mua. 

Làm nghề môi giới BĐS nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Hưng, ở TP Phủ Lý chia sẻ: Trong vòng một tháng qua, tôi đã nhận được hàng chục cuộc gọi nhờ rao bán hộ đất nền. Tất cả các mảnh đất này đều được mua trong thời điểm sốt đất nên giá khá cao và giờ họ nhờ bán với giá bằng thời điểm mua hoặc cao hơn 500 nghìn – 1 triệu đồng/m2, song hầu như không giao dịch được.

Nguyên nhân, một phần do tháng 7 âm lịch, nhiều người quan niệm tháng “cô hồn’’ nên ít khi làm việc lớn, nhất là mua đất, xây nhà. Mặt khác, nhu cầu mua vào hiện nay rất hạn chế, trong khi đó một số nhà đầu cơ nhỏ chấp nhận muốn bán nhanh kể cả chịu lỗ từ 5 - 10% hoặc hơn, để thu hồi vốn. Họ cũng sẵn sàng chi tiền hoa hồng cao hơn bình thường để có thể giải phóng nhanh được, nhưng cũng giao dịch rất chậm. Đối với người có nhu cầu thực tế, trong thời điểm hiện nay cũng rất thận trọng quyết định mua nhà đất.

Chị Nguyễn Thị Huyền (Bình Lục) cho hay: Gia đình chị đang có kế hoạch mua một mảnh đất ở TP Phủ Lý để xây nhà cho con trai. Với khoản tài chính 2,5 tỷ đồng chị vẫn chưa quyết định đầu tư ở vị trí nào. Trong thời gian này, chị chủ yếu thăm dò thị trường và đợi giá đất giảm sâu mới quyết định mua. Chị hy vọng cuối năm nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ, tháo vốn, giá đất giảm thì việc mua đất sẽ thuận lợi hơn.  

Thị trường bất động sản trầm lắng
Người dân ở TP Phủ Lý làm thủ tục cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Phủ Lý.

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS chưa bao giờ trải qua nhiều "giông bão" như trong thời gian cuối năm 2021 đầu năm 2022. Với tâm lý sợ ngân hàng siết tín dụng, từ đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm, sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng là chủ yếu nên bắt buộc phải rao bán vì không có khả năng cầm cự. Đối với người mua lại có tâm lý dè dặt, cẩn trọng chờ diễn biến của thị trường. Do vậy, những tháng cuối năm 2022, thách thức mà thị trường phải đối mặt là dấu hiệu giao dịch sụt giảm, thanh khoản chậm. Trong giai đoạn này sẽ xuất hiện nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Tuy nhiên, giá BĐS ở TP Phủ Lý và một số vùng trung tâm trong tỉnh sẽ không giảm nhiều, thậm chí có nhiều vị trí sẽ giữ nguyên giá. 

Thị trường bất động sản trầm lắng
Một góc Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo (TP Phủ Lý). Ảnh: Thế Trang

Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nếu như vào dịp cuối năm 2021 đầu năm 2022, có những Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cấp được khoảng 1 tháng đã làm thủ tục cấp chuyển nhượng cho chủ mới. Có những thửa đất trong vòng 5 – 7 tháng chuyển qua tay vài người thì trong vòng 3 tháng trở lại đây tỷ lệ người dân làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm khoảng 30%, trong đó chủ yếu giảm phần mua, bán. Qua đó, cho thấy thị trường BĐS đã trầm lắng. 

Trong thời điểm hiện nay, hầu hết các ngân hàng trên địa bàn rất hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh BĐS. Theo lý giải của nhiều ngân hàng thương mại, việc đầu tư vốn cho lĩnh vực BĐS có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều ngân hàng chỉ đầu tư vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, cho các hộ dân vay vốn cải thiện cuộc sống, mua đất, xây nhà ở và không đầu tư cho vay kinh doanh BĐS. 

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy