Nhiều công trình điện trong khu đô thị chưa bàn giao cho ngành điện quản lý

Tại các khu tái định cư, khu đô thị, vị trí đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh ta hiện nay mỗi dự án xây dựng theo hình thức đầu tư và quản lý hạ tầng khác nhau. Với khu tái định cư, vị trí đấu giá quyền sử dụng đất do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư, còn khu đô thị do doanh nghiệp xây dựng hạ tầng làm chủ đầu tư. Tuy vậy, một số dự án được xây dựng từ nhiều năm nhưng đến nay chưa quyết toán và bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý. Những tồn tại này không được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện trong khu vực. Tình trạng này tập trung ở một số địa phương của thị xã Duy Tiên, thành phố Phủ Lý và các huyện: Lý Nhân, Bình Lục. 

Theo quy định, ngành điện kéo đường dây đến vùng giáp ranh và tại các dự án do địa phương làm chủ đầu tư, hệ thống trạm biến áp, cột điện, đường dây do các hộ tự huy động kinh phí để xây dựng. Song, ở một số dự án những năm qua chủ đầu tư chưa quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chỉ tập trung xây dựng đường giao thông, nước và nguồn điện do nhân dân tự kéo từ khu dân cư để sử dụng. Trong khi đó, tại một số dự án đầu tư trạm biến áp, lắp đặt đường dây, cột điện, nhưng chưa vận hành.

Đơn cử như tại thành phố Phủ Lý có 57 dự án khu tái định cư, khu đô thị, vị trí đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng đến nay 27 dự án có công trình điện, song chưa vận hành, bàn giao cho ngành điện quản lý. Tại Khu đô thị (Dự án CEO 2) phường Liêm Tuyền có trạm điện lớn nhất, công suất 1.250 KVA và trạm nhỏ nhất công suất 75 KVA; tại Phường Lê Hồng Phong có 8 dự án nhưng đến nay 7 dự án có công trình điện chưa vận hành; phường Liêm Tuyền 5/5 dự án chưa bàn giao công trình điện; phường Lam Hạ 2/9 dự án chưa bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý.

Tại Khu tái định cư Thiện Doãn, xã Tràng An (Bình Lục) nằm cạnh quốc lộ 37B với diện tích khoảng 1 ha được xây dựng từ năm 2016. Hiện nay, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được xây dựng hoàn chỉnh với các tuyến đường nội bộ và lắp đặt trạm biến áp (TBA:180KVA-35/0,4KV), hệ thống cột điện li tâm, điện chiếu sáng. Tại đây, có 40 hộ được giao đất, nhưng sau 7 năm xây dựng đến nay mới có 6 hộ xây dựng nhà ở. Việc xây dựng hạ tầng do UBND huyện làm chủ đầu tư, song nguồn điện vẫn do các hộ tự kéo từ khu dân cư để sử dụng. 

Bà Trần Thị Hải, Trưởng thôn Thiên Doãn cho biết: Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, cử tri nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành nhưng đến nay chưa được giải quyết. Về phía địa phương mong muốn công trình điện ở đây sớm bàn giao cho ngành điện quản lý nhằm khắc phục những nguy cơ mất an toàn và góp phần nâng cao chất lượng lưới điện trên địa bàn.

Còn tại Khu đô thị Đồng Văn Xanh (thị xã DuyTiên) với hơn 230 hộ có đất nền và nhiều hộ đã xây dựng nhà ở, trong khi đó hạ tầng điện còn nhiều tồn tại. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chất lượng đường dây trong Khu đô thị không bảo đảm, nhất là trong mùa nắng nóng sản lượng điện tiêu thụ lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chính vì vậy, cần sớm được thay thế đường dây mới đáp ứng yêu cầu truyền tải điện trong khu vực.

Nhiều công trình điện trong khu đô thị chưa bàn giao cho ngành điện quản lý
Khu đô thị mới Nam Khả Lôi, xã Tiêu Động (Bình Lục) chưa bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý. Ảnh: Thống Thảo

Bà T.T H cho biết: Vào giờ cao điểm, một số khu vực các hộ sử dụng điện đồng thời nhiều thiết bị đã xuất hiện tình trạng điện chập, đánh lửa rất nguy hiểm cho các hộ sinh sống cạnh đường dây. Thời gian qua, nhân dân nhiều lần phản ánh với ngành chức năng, chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết. Rất mong các cấp, ngành sớm quan tâm tu bổ, sửa chữa công trình đáp ứng yêu cầu sử dụng điện cho nhân dân trong khu đô thị.

Theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, nhưng hiện ở tỉnh ta nhiều dự án xây dựng khu tái định cư, khu đô thị, vị trí đấu giá quyền sử dụng đất chủ đầu tư chưa hoàn thành quyết toán dẫn đến công trình điện chưa bàn giao cho ngành điện quản lý. Nguyên nhân do một số hạng mục hạ tầng xã hội, giao thông, thoát nước, điện chưa xây dựng hoàn chỉnh theo thiết kế. Đơn cử như Khu đô thị Minh Khôi (thành phố Phủ Lý) xây dựng từ năm 2004 đến nay tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng và dự án chưa bàn giao công trình điện.

Ông Ngô Quốc Huy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam cho biết: Để bàn giao công trình điện cần các thủ tục, như: hồ sơ liên quan đến quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán được duyệt có liên quan đến công trình điện, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình độc lập, các chứng từ, sổ sách và báo cáo quyết toán được duyệt của cấp có thẩm quyền. Nhưng các dự án chưa quyết toán công trình nên chưa hoàn thành các thủ tục, do vậy đề nghị các cấp, ngành tập trung phối hợp giải quyết dứt điểm những tồn tại. Bởi thực tế, hiện nay các công trình điện ở những khu này chưa được chủ đầu tư duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên, trong khi đó đây không phải là tài sản của ngành điện quản lý. 
Để bảo đảm quyền lợi của người dân tại các khu tái định cư, khu đô thị, vị trí đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh và tránh hệ lụy xảy ra, các chủ đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan việc quyết toán dự án nhằm sớm bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý.   

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy