Nhiều chợ xây dựng mới hoạt động không hiệu quả

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời kỳ đầu các tiêu chí bắt buộc về cơ sở hạ tầng phải có: Chợ; nhà văn hóa trung tâm xã; nhà văn hóa ở các thôn xóm… đạt chuẩn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, nhiều xã đã xây dựng chợ, song hoạt động lại không hiệu quả, có chợ gần như bỏ không, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Vậy nguyên nhân do đâu?

Nhiều chợ xây dựng mới hoạt động không hiệu quả
Một góc chợ Chằm (Liêm Thuận, Thanh Liêm).

Năm 2008, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm) xây dựng chợ Chằm có diện tích 6.000m2, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Chợ được xây dựng theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I chủ yếu san lấp mặt bằng, xây dựng một số hạng mục, còn giai đoạn II xây dựng ki ốt và đình chợ. Sau khi hoàn thành, chợ có 23 ki ốt và một đình chợ phục vụ nhân dân kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào hoạt động, đến nay chợ Chằm vẫn không thu hút được tiểu thương vào họp, hầu hết các vị trí ki ốt thường xuyên đóng cửa, kinh doanh không hiệu quả. Khu đình chợ hầu như bỏ hoang, người dân không vào kinh doanh buôn bán.

Ông Nguyễn Sỹ Quảng, Chủ tịch UBND xã Liêm Thuận (Thanh Liêm) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Thanh Liêm, xã Liêm Thuận đã cho dọn dẹp lại chợ Chằm, lắp điện, nước đầy đủ phục vụ các hộ dân kinh doanh buôn bán. Đồng thời, Công an xã phối hợp với Công an thị trấn Tân Thanh yêu cầu các hộ dân trước đây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở xung quanh khu vực cầu Nga Nam (gần chợ Chằm để kinh doanh), chuyển vào khu vực chợ Chằm và chợ Non kinh doanh buôn bán, nhưng hiện nay chợ vẫn không thu hút được nhiều tiểu thương đến hoạt động.

Nhiều chợ xây dựng mới hoạt động không hiệu quả
Mặc dù chợ Chằm đã được đầu tư xây dựng nhưng nhiều ki-ốt tại chợ luôn trong tình trạng cửa đóng then cài vì không có người thuê.

Cũng như chợ Chằm, chợ ở xã Tiên Tân được xây dựng với quy mô hơn 100 ki ốt và đình chợ song hoạt động cũng không hiệu quả. Chợ Tiên Tân được xây dựng bằng nguồn vốn của Nhà nước và một phần nguồn vốn của tiểu thương. Toàn bộ phần ki ốt do tiểu thương bỏ vốn với mức 20 triệu đồng/ki ốt (có giá trị sử dụng trong 15 năm), còn lại mặt bằng chợ, đình chợ do ngân sách nhà nước đầu tư. Đưa vào hoạt động nhiều năm qua, song hiệu quả hoạt động của chợ Tiên Tân rất thấp, một năm thu phí được vài chục triệu đồng (tương đương với mấy chục nghìn/ki ốt/tháng). Hiện nay, nhiều ki ốt đã đóng cửa không kinh doanh được gây lãng phí nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân.

Theo lý giải của nhiều hộ dân trong vùng cho biết, chợ Chằm được xây dựng gần chợ Non ở thị trấn Tân Thanh, trong khi đó chợ Non hàng hóa phong phú, lại thuận lợi về giao thông nên nhiều người dân ở khu vực xã Liêm Thuận đã sang chợ Non để mua bán hàng hóa. Còn chợ Tiên Tân gần khu vực trung tâm TP Phủ Lý nên bà con có thể xuống thành phố mua hàng nên hoạt động của các chợ trên không hiệu quả. 

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thời kỳ đầu các tiêu chí bắt buộc về cơ sở hạ tầng phải có: Chợ; nhà văn hóa trung tâm xã; nhà văn hóa ở các thôn xóm; trường học (3 cấp) đạt chuẩn; đường giao thông; trạm y tế; hệ thống điện lưới. Để đạt được mục tiêu trên, nhiều xã đã xây dựng chợ để phục vụ bà con kinh doanh buôn bán, song vị trí xây dựng chợ lại chưa phù hợp hoặc xây dựng chợ với quy mô lớn nhưng số dân trong xã có hạn. Chính vì vậy, ngoài chợ Chằm, chợ Tiên Tân, còn chợ Đặng xã Văn Xá (Kim Bảng), hay chợ Quy Lưu (TP Phủ Lý) đưa vào hoạt động song không hiệu quả. 

Theo tiểu thương ở một số địa phương thì việc chọn vị trí xây dựng chợ rất quan trọng. Nhiều chợ xây dựng xong, nhưng người dân lại không vào họp, trong khi đó ở những khu vực xung quanh các hộ dân lại lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh. Về lâu dài để xây dựng và đưa chợ vào hoạt động hiệu quả, cần có sự tính toán kỹ lưỡng của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn  trong việc chọn vị trí, khoảng cách giữa các chợ trong khu vực bảo đảm xây dựng chợ phù hợp với quy mô dân số trong vùng và nhu cầu kinh doanh buôn bán của các hộ dân, tránh tình trạng, việc đầu tư chợ gây lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến quá trình phát triển ở địa phương.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy