Nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao đồng bộ, tốc độ thiết kế 350 km/giờ

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quá trình nghiên cứu đường sắt tốc độ cao cần bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350km/giờ.

Nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao đồng bộ tốc độ thiết kế 350 kmgiờ
Quá trình nghiên cứu đường sắt tốc độ cao cần bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350km/giờ.

Đề án phải khẳng định được vai trò của tuyến đường sắt tốc độ cao thật sự trở thành "trục xương sống" vận tải trên hành lang bắc-nam theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới; đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có, góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ,…

Phương án đầu tư khả thi, an toàn, hiệu quả

Tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam đã được Bộ Giao thông vận tải thực hiện nghiêm túc, công phu trong thời gian dài; trong đó báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án năm 2010 đã được Bộ Chính trị tán thành chủ trương đầu tư, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.

Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (Ban Chỉ đạo) đã có Kết luận tại văn bản số 420/TB-VPCP ngày 18/10/2023 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải đã kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Đề án.

Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình xây dựng, triển khai Đề án cần có sự đồng thuận, góp sức và thực sự vào cuộc của liên ngành trên nhiều lĩnh vực.

Để chuẩn bị đầy đủ nội dung Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục bám sát Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Kết luận của Ban Chỉ đạo tại văn bản số 420/TB-VPCP; giải trình đầy đủ, thuyết phục các ý kiến góp ý, phản biện của các bộ, cơ quan và một số chuyên gia, nhà khoa học; hoàn thiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ.

Nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao đồng bộ tốc độ thiết kế 350 kmgiờ
Cần làm rõ thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao, gồm cả phương án huy động vốn.

Phó Thủ tướng lưu ý, về căn cứ chính trị xây dựng Đề án, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, căn cứ thực tiễn dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, kinh nghiệm quốc tế (làm rõ thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao, gồm cả phương án huy động vốn), với số liệu, dữ liệu kinh tế, kỹ thuật, khoa học để phân tích đầy đủ, rõ nét hơn tác động của đường sắt tốc độ cao đến tổng thể nền kinh tế-xã hội, trên cơ sở tính tương hỗ giữa các phương thức vận tải để nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao đồng bộ tốc độ thiết kế 350 kmgiờ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài.

“Về kịch bản phát triển, cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế-xã hội nước ta, kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/giờ và thật sự trở thành “trục xương sống" vận tải theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với hướng tuyến đường sắt tốc độ cao, nghiên cứu sử dụng hiệu quả các giải pháp công trình cầu, hầm để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể, khả năng thoát lũ, hạn chế ảnh hưởng đến các khu bảo tồn và chia cắt cộng đồng; xem xét phương án bố trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật-công nghệ, thời gian thực hiện dài (hơn 10 năm) nên việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu, số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện, tránh hiểu nhầm trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng trong giai đoạn triển khai,...

Cơ chế “đặc thù đặc biệt cả gói”

Về cơ chế chính sách đặc thù, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư, bao gồm: Cơ chế huy động và sử dụng các nguồn vốn; cơ chế sử dụng tiền thu từ sử dụng đất từ các địa phương; cơ chế đào tạo, sử dụng cán bộ, kỹ sư; cơ chế nội địa hóa gắn với phát triển ngành công nghiệp đường sắt; cơ chế thu hút đầu tư PPP; cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ thông qua FDI; mô hình tổ chức vận hành-kinh doanh,... Phải triệt để thực hiện kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao đồng bộ tốc độ thiết kế 350 kmgiờ
Các bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao.

Quá trình triển khai nghiên cứu tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, làm sâu sắc thêm tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt tốc độ cao trong việc phát triển đô thị theo định hướng gắn kết với giao thông công cộng (TOD) và tiếp tục nghiên cứu giải pháp khai thác mô hình này.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ (cơ khí, chế tạo, luyện kim...), giúp phát triển đường sắt nói chung, đường sắt tốc độ cao nói riêng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động tổ chức công tác chuẩn bị (đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, cơ khí,...) để thực hiện quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao.

Trước đó, tại cuộc họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (Đề án), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: "Hiện nay, hệ thống đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao của Việt Nam đang lỡ hẹn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đầu tư đường sắt tốc độ cao là đầu tư dài hạn cho tương lai. Phải đặt ra mục tiêu tổng thể hình thành ngành công nghiệp đường sắt hiện đại của đất nước, có năng lực làm chủ công nghệ, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững trong “hệ sinh thái” giao thông vận tải hướng đến tự chủ phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông kỹ thuật".

Nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao đồng bộ tốc độ thiết kế 350 kmgiờ
"Đầu tư đường sắt tốc độ cao là đầu tư dài hạn cho tương lai" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, Đường sắt Việt Nam từng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước trước đây, nhưng đang mất dần vai trò, thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác do hạ tầng lạc hậu, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông,…Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao nhằm mở ra không gian mới để phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện việc nghiên cứu Đề án nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng trong thời gian dài, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Hội đồng thẩm định Nhà nước, cũng như thông tin phản hồi của xã hội và người dân. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cần đầu tư tuyến đường sắt mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên trục bắc-nam.

Theo nhandan.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy