Mở rộng chương trình phát triển nhà ở xã hội

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, một khu thiết chế công đoàn, 3 dự án nhà ở công nhân đã và đang được triển khai thực hiện. Các dự án bước đầu phát huy được hiệu quả trong công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Thực hiện Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 23/3/2015 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, những năm qua, các dự án xây dựng nhà ở được các cấp, ngành triển khai bảo đảm phù hợp theo quy hoạch. Trong đó, đã quy hoạch quỹ đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt đối với đất xây dựng nhà ở xã hội phục vụ đối tượng là: Người có công, người thu nhập thấp, công nhân ở các KCN. Dự án nhà ở xã hội được dành 20% quỹ đất để làm đất thương mại nhằm tạo nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đồng thời huy động các tổ chức tín dụng tăng cường nguồn vốn cho vay ưu đãi. Nhờ vậy, tạo điều kiện giúp gia đình chính sách, người thu nhập thấp cải thiện nhà ở, bảo đảm an toàn, góp phần đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, một khu thiết chế công đoàn, 3 dự án nhà ở công nhân đã và đang được triển khai thực hiện. Các dự án bước đầu phát huy được hiệu quả trong công tác an sinh xã hội tại địa phương. Tổng diện tích đất xây dựng các dự án theo thiết kế khoảng 40 – 50 ha.

Ngày 21/4/2022, tại phường Đồng Văn (Duy Tiên), UBND tỉnh đã khởi công Dự án Khu nhà ở xã hội. Dự án có tổng diện tích 4,9 ha bao gồm 4 khối nhà 9 tầng với 564 căn hộ và một số căn nhà ở thấp tầng được thiết kế theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tiện ích đầy đủ. Các căn hộ có diện tích từ 36,2 m2 – 68,9m2 được thiết kế tối ưu hóa công năng sử dụng với giá bán dự kiến khoảng 380 triệu đồng/căn. Dự án dành 50% tổng diện tích phục vụ cho hệ thống cảnh quan và dịch vụ tiện ích như: trường mầm non; khu tập thể thao ngoài trời; siêu thị; khu sinh hoạt cộng đồng; khu để xe tập trung trong nhà; đường dạo, cây xanh. Công trình do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. 

Mở rộng chương trình phát triển nhà ở xã hội
Khởi công Dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên),  công trình do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. 

Việc xây dựng Dự án Khu nhà ở xã hội tại Đồng Văn có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như tác động lớn đến đời sống của người dân. Không những vậy, xây dựng dự án còn thể hiện việc triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần thực hiện đúng tinh thần hỗ trợ từ chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong 2 năm (2022 – 2023) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết, hiện Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đang tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khơi thông cơ chế, chính sách nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân trong các KCN. Bên cạnh đó, tập trung khai thác nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng vay theo chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Tính đến thời điểm này, từ nguồn vốn cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH), toàn tỉnh đã có 343 người thuộc các đối tượng: Người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được vay hơn 103 tỷ đồng để xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở. 

Theo kế hoạch năm 2022, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn được NHCSXH Việt Nam giao chỉ tiêu giải ngân 61 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh mới cho vay được hơn 2 tỷ đồng. Ngày 31/3/2022, tại buổi làm việc với Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam về kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở Hà Nam, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết: Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022 tỉnh ta sẽ tiếp tục khởi công xây dựng thêm 2 dự án nhà ở xã hội, vì vậy đề nghị NHCSXH Việt Nam ưu tiên nguồn vốn cho vay ưu đãi, nhất là trong giai đoạn từ năm 2023 – 2025. Bởi theo chương trình cho vay mua, thuê nhà ở xã hội; xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, tổng nhu cầu vốn cho vay của giai đoạn này cần bố trí khoảng 500 tỷ đồng, trong đó 300 tỷ đồng vay từ NHCSXH Trung ương.

Về phía UBND tỉnh, hằng năm sẽ bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay, đồng thời yêu cầu các sở, ngành chức năng tích cực phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay mua nhà ở xã hội. Vì theo kế hoạch, cuối năm 2023 dự án nhà ở xã hội đầu tiên ở Hà Nam sẽ tổ chức giao bán căn hộ, do vậy, nhu cầu vay vốn của các đối tượng là rất cao.

Qua khảo sát của ngành chức năng, hiện nay nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội của người dân, nhất là công nhân đang làm việc tại các KCN là rất cấp thiết. Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 7/8 KCN hoạt động, trong đó tỷ lệ lấp đầy đối với các KCN: Đồng Văn I, II, III, IV, Hòa Mạc, Châu Sơn đạt từ 75 – 100%. Tổng số lao động trong các KCN là khoảng 90 nghìn lao động tăng 2,5 lần so với năm 2018; nhu cầu mua nhà ở của công nhân chiếm khoảng 37% tổng số lao động. Hầu hết người lao động mong muốn mua nhà ở nhằm sớm ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc lâu dài với doanh nghiệp.

Thực tế, các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn giai đoạn từ năm 2014 – 2020 đã đạt được các chỉ tiêu cụ thể về bình quân diện tích sàn nhà ở theo tỷ lệ của người dân ở khu vực thành thị, nông thôn. Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn, nhà ở công nhân đã và đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị mới, hiện đại. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã chú trọng phát triển đô thị gắn với quy hoạch các KCN tập trung để quản lý theo dự án xây dựng khu nhà ở. Song hiện các loại hình và phân khúc nhà ở trên địa bàn chưa đa dạng, đặc biệt là thiếu loại hình nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. 

Nguyên nhân trước hết là do các văn bản pháp quy của Nhà nước về đầu tư xây dựng thường xuyên có thay đổi, bổ sung; quá trình khảo sát, lập dự án xây dựng nhà ở xã hội thời gian kéo dài. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội không mang lại lợi nhuận cao cho chủ đầu tư như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại. Hơn nữa, đối với nhà ở xã hội được khống chế về tiêu chuẩn thiết kế, loại nhà ở, mức trần giá bán, cho thuê, cho thuê mua, lợi nhuận định mức, đối tượng thuê, mua. Đặc biệt, chưa có chính sách ưu đãi nhằm tạo sự khác biệt giữa nhà ở xã hội với đất nền thương mại, vì vậy khó thu hút doanh nghiệp lớn đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư nên đã ảnh hưởng đến Chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung triển khai các biện pháp và đã đạt được các chỉ tiêu cơ bản quan trọng, trong đó nâng cao chất lượng nhà ở cho người nghèo, người có công với cách mạng, công nhân lao động, góp phần thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn từ năm 2014 - 2020. Hiện tỉnh đang lập Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vì vậy cần có sự điều chỉnh các mục tiêu, quy mô, loại hình nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các chủ đầu tư tham gia xây dựng nhằm đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy