Sáng 19/5, tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch Hà Nam năm 2023.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế đang đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh; lãnh đạo Cục nghiệp vụ Bộ VH, TT&DL, Tổng cục Du lịch, Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, giảng viên các trường Đại học đào tạo ngành Du lịch; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh...
Với chủ đề “Hà Nam – Hành trình kết nối”, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Du lịch trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2023 nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển du lịch; những nét đặc sắc, hấp dẫn giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm độc đáo nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư phát triển du lịch tại Hà Nam; Tiếp tục mở rộng liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế, tạo cơ hội để doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường xây dựng các tuor, tuyến du lịch hấp dẫn giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã giới thiệu khái quát về tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch của Hà Nam. Với tiềm năng và lợi thế đó, Hà Nam đã xác định mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Hà Nam không ngừng được đầu tư có quy mô với đẳng cấp quốc tế, như khu du lịch Tam Chúc; 12 khu, điểm du lịch trên địa bàn đã được công nhận, sân golf Kim Bảng, sân golf Tượng Lĩnh và nhiều điểm tham quan, du lịch đang được đưa vào đầu tư khai thác; cùng với hệ thống hơn 200 cơ sở lưu trú và các nhà hàng, khu mua sắm phong phú... không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế mà còn có khả năng đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô lớn như Đại lễ Phật đản VESAK Liên hợp quốc được tổ chức năm 2019 vừa qua...
Sản phẩm dịch vụ du lịch Hà Nam đã và đang ngày càng được cải thiện về mặt chất lượng, đa dạng, phong phú với nhiều dòng sản phẩm mới hấp dẫn, độc đáo như du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch MICE, du lịch golf... thu hút du khách trong và ngoài nước. Năm 2022, Hà Nam đã đón hơn 3 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, Hà Nam đã đón hơn 3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt gần 2.400 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam – Hành trình kết nối” là dịp để du lịch Hà Nam đón nhận, lĩnh hội các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà đầu tư nhằm đổi mới, phát triển các sản phẩm du lịch và ngành du lịch Hà Nam ngày càng chất lượng, an toàn, hấp dẫn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, mong muốn của khách du lịch... Với mong muốn hợp tác phát triển thuận lợi, hiệu quả, bền vững với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Hà Nam luôn nhiệt liệt chào đón toàn thể quý vị đến tham quan, tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Hà Nam, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và phát triển nguồn lực con người.”
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Đoàn Văn Việt đánh giá cao tiềm năng, lợi thế về du lịch của Hà Nam. Việc Hà Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2023 “Hà Nam – Hành trình kết nối” là hoạt động quan trọng của Tuần Văn hóa – Du lịch, đồng thời là sự kiện du lịch mở màn của cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/5/2023 theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định: “Qua sự kiện ngày hôm nay, tôi tin tưởng rằng Hà Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các chính sách ưu đãi của tỉnh hướng tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tranh thủ cơ hội thu hút các nguồn lực để phát triển ngành du lịch; cùng đó phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc đặc trưng của Hà Nam; thúc đẩy xúc tiến, mở rộng thị trường khách nội địa và quốc tế; tăng cường kết nối các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và các địa phương khác trong cả nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, từng bước đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và chất lượng trên bản đồ du lịch Việt Nam; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam nói chung, của tỉnh Hà Nam nói riêng sau đại dịch Covid -19.”
Bày tỏ những ấn tượng sâu sắc về thiên nhiên, cảnh đẹp và mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua, ngài Watanabe Shige, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nói: “Tôi cho rằng tỉnh Hà Nam có thế mạnh trong cả lĩnh vực du lịch như dễ dàng tiếp cận từ thủ đô Hà Nội và có tài nguyên du lịch tuyệt vời như Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc và nhiều ngôi chùa khác.v.v.
… Việt Nam nằm trong 24 quốc gia và khu vực được chọn là “điểm đến trọng điểm” của Chiến dịch này. Tôi cam kết Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phối hợp, tích cực hoạt động để gia tăng lượng khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới”.
Hội nghị thu hút nhiều ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, đại diện các cơ sở đào tạo ngành du lịch. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và các cơ chế chính sách của tỉnh đối với phát triển du lịch thời gian qua. Bên cạnh đó các doanh nghiệp, các chuyên gia về du lịch cũng đưa ra những giải pháp quan trọng nhằm phát triển du lịch bền vững cho Hà Nam như: Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cả về chất và lượng; tỉnh cần xác định rõ các sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển các dịch vụ lưu trú; Đẩy nhanh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, đầu tư nhiều hơn vào cổng thông tin du lịch của tỉnh, giúp các công ty lữ hành, du khách khắp nơi dễ tìm kiếm thông tin du lịch của Hà Nam; tỉnh cần có các chính sách riêng dành cho ngành du lịch liên quan đến đất đai, tài chính, điện, nước, linh hoạt trong các chính sách an ninh trật tự để hỗ trợ các hoạt động kinh tế về đêm; đẩy mạnh liên kết vùng…
Bế mạc hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cảm ơn các ý kiến phát biểu, trao đổi, chia sẻ, thảo luận đầy tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch dành cho Hà Nam. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến quý báu tại hội nghị và sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030; quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch; Tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin…;
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; Tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam và các Tổng công ty, công ty, câu lạc bộ lữ hành đã tiến hành ký kết một số thỏa thuận hợp tác phát triển nhân lực, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hiệu quả tại Hà Nam.
Giang Nam