Xúc tiến đầu tư - Dấu ấn sau đại dịch
Thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022, trong tháng 9/2022 các đoàn công tác của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Qua đó hình ảnh cũng như môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển của tỉnh tiếp tục được quảng bá sâu rộng, lan tỏa đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp của hai quốc gia. Có thể nói, chưa bao giờ xúc tiến đầu tư lại được tổ chức nhiều hoạt động và sâu rộng như lần này. Hoạt động xúc tiến đầu tư đã bám sát định hướng thu hút đầu tư, đề cập toàn diện đến các dự án mà tỉnh đang mong muốn kêu gọi thu hút đầu tư, từ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đến kinh tế số, sản xuất công nghiệp điện tử, phụ trợ ô tô kết hợp với năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đào tạo nguồn nhân lực; các dự án đô thị, nghỉ dưỡng, khách sạn…
Mặc dù thời gian không nhiều, nhưng tỉnh kết hợp đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư như tổ chức hội thảo, hội nghị, trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chẳng hạn như tại Tokyo, Nhật Bản, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã đến làm việc và thăm, khảo sát trung tâm logistics của Tập đoàn Itochu. Itochu là một trong những tập đoàn thương mại hàng đầu của Nhật Bản với trên 100 năm kinh nghiệm, có hơn 120 công ty hoạt động ở 63 quốc gia trên thế giới, đầu tư ở nhiều lĩnh vực như: Logistics, năng lượng, thực phẩm, công nghệ, tài chính... Tại buổi làm việc và khảo sát, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác đã được Tập đoàn giới thiệu về mô hình dịch vụ logistics thông minh kết hợp với năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tại Hàn Quốc, Đoàn xúc tiến đầu tư do đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Seoul Semiconductor - nhà đầu tư với số vốn lớn tại KCN Đồng Văn I. Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn tiếp tục quan tâm, mở rộng quy mô sản xuất cũng như đầu tư thêm dây chuyền hiện đại tại nhà máy ở KCN Đồng Văn I. Hà Nam cam kết sẽ luôn song hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động, mở rộng đầu tư tại tỉnh.
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thông qua các buổi làm việc với những cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư và chính quyền hai quốc gia ghi nhận và đánh giá cao về những nỗ lực của tỉnh trong công tác cải thiện môi trường thu hút đầu tư. Đặc biệt, qua xúc tiến đầu tư lần này, các bên đã hiểu nhau hơn và mong muốn được hợp tác sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực.
Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh không tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư chủ yếu tập trung trong nước, các hoạt động triển khai trong phạm vi hẹp, tuân thủ theo đúng chỉ đạo phòng chống dịch của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư cho thấy quyết tâm của Hà Nam- phấn đấu nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc Bộ về phát triển công nghiệp; trong đó có một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đáng mừng là sau khi hoạt động xúc tiến đầu tư kết thúc không lâu đã có nhiều đoàn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia đến nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư của Hà Nam. Tại hội nghị làm việc với tỉnh về khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư (tháng 11/2022), ngài Achiwa Noriyuki, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp, cơ khí và máy móc thành phố Kobe (Nhật Bản) nhấn mạnh: Chúng tôi rất ấn tượng với môi trường đầu tư thông thoáng, vì doanh nghiệp của tỉnh Hà Nam. Hiệp hội sẽ lan tỏa tinh thần này đến các doanh nghiệp thành phố Kobe, tỉnh Hyogo và trong Nhật Bản để thúc đẩy các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu, tiến tới các hoạt động đầu tư, tạo động lực để Hà Nam trở thành một điểm đến đầu tư năng động, thuận lợi, an toàn và thành công đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Cam kết rõ ràng, môi trường đầu tư thuận lợi
Nhiều năm liên tục, kể cả trong khó khăn của đại dịch Covid-19, nhưng Hà Nam vẫn luôn giữ được vị thế trong top 15 tỉnh, thành phố có thu hút đầu tư cao của cả nước. Hiện nay, Hà Nam thu hút doanh nghiệp của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Đức… Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ, Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng đầu về cả số dự án và số vốn đầu tư, với gần 150 dự án, vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD; tiếp theo là Nhật Bản có 111 dự án với nhiều doanh nghiệp lớn như: Honda, Sumi, YKK… Điều này cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở Hà Nam đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Có thể nói trong những năm qua, Hà Nam đã tận dụng, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư, là tỉnh cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, đầu mối giao thông kết nối với nhiều tỉnh trong Vùng thủ đô với hệ thống đường cao tốc, quốc lộ tới sân bay Nội Bài, cảng quốc tế Hải Phòng cùng với hệ thống đường sắt, đường thủy thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt hơn là tỉnh đã có cam kết rõ ràng về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển, bảo đảm chất lượng các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhất là, trong 2 năm qua khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Hà Nam đã chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch thành công, ưu tiên tiêm vắc-xin trước hết cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài, công nhân lao động trong các KCN, tạo sự yên tâm, phấn khởi cho doanh nghiệp.
Ông Thái Thượng Nhiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Wistron Infocomm (KCN Đồng Văn III) cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Chúng tôi đã đi đến nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam nhưng cuối cùng quyết định đầu tư tại tỉnh Hà Nam.
Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh luôn khẳng định nhất quán chủ trương thu hút đầu tư: Hà Nam có chính sách thông thoáng và cam kết rõ ràng về thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ, bảo đảm cho nhà đầu tư khi đến tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh sẽ được tiếp cận nhanh nhất về đất đai, lao động, tài chính cũng như thủ tục đầu tư… Chính quyền Hà Nam luôn nhất quán trong thực hiện các chính sách ưu đãi và các cam kết với nhà đầu tư. Chính vì vậy, doanh nghiệp đến đầu tư ở Hà Nam rất yên tâm, tin tưởng bởi sự đồng hành của chính quyền tỉnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, tạo việc làm ổn định cho người lao động; đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành xác định luôn đồng hành với các doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thông qua việc nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hà Nam coi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, tỉnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, cơ quan, địa phương đổi mới mạnh mẽ nhận thức và hành động khi thực thi công vụ; chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “đồng hành và phục vụ”. Lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu: “Vì nhân dân phục vụ - Vì doanh nghiệp phục vụ”, với tinh thần chính quyền đi trước một bước, chủ động nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khôi phục và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo hiệu quả công việc của mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị và mỗi cán bộ công chức, viên chức.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo thân thiện với môi trường; công nghiệp công nghệ cao… Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư, Hà Nam tiếp tục thực hiện 10 cam kết với các nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi về đầu tư tại Hà Nam. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm cho người lao động có chỗ ở ổn định để yên tâm gắn bó lâu dài trong doanh nghiệp; đồng thời thực hiện các cơ chế chính sách thu hút nhân tài tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tập trung đào tạo nghề cho lao động… đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp và sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh./.
Thanh Bình