Đổi mới, linh hoạt trong hoạt động xúc tiến đầu tư

Xúc tiến, kêu gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, sự phát triển và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các địa phương, khu vực trong thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã chủ động đổi mới phương thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt, đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo bước đột phá để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Chủ động, linh hoạt cách tiếp cận

Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, nổi bật là tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai dự án trên địa bàn. Tỉnh cũng quan tâm nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, cạnh tranh để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tận dụng tốt các cơ hội, thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tư vấn, các tập đoàn lớn để xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Trong quá trình xúc tiến đầu tư, tỉnh luôn nhất quán quan điểm: Chấp hành nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa “đồng hành cùng các nhà đầu tư”, tạo ra không gian mở thân thiện, nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền, người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp với phương châm: Tỉnh Hà Nam luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động và coi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh.

Từ thực tiễn triển khai công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian qua cho thấy, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động xây dựng, cập nhật thường xuyên tài liệu phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin về danh mục các dự án, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, các cơ chế, chính sách của tỉnh về thu hút đầu tư. Cùng với đó, tăng cường công tác giới thiệu và quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp bằng nhiều hình thức, nhất là quảng bá tại các khu vực trọng điểm thu hút đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu; tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, các nhà đầu tư đã hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công tại tỉnh để giới thiệu về môi trường đầu tư của Hà Nam; hỗ trợ, tư vấn nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; kịp thời tham mưu với UBND tỉnh trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong chương trình xúc tiến đầu tư được xây dựng, triển khai bài bản hằng năm phải kể đến sự chủ động, tích cực của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng trong việc tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, các nước châu Âu để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, nhất là những lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, thiết bị điện tử, tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực… Chương trình xúc tiến đầu tư tại các quốc gia đạt nhiều kết quả khả quan khi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam… đều bày tỏ sự tin tưởng, đánh giá cao sự điều hành của chính quyền tỉnh và môi trường đầu tư của Hà Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng, quyết định đầu tư vào Hà Nam là đúng đắn và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư mở rộng thêm nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

Sản xuất tại Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam, Khu Công nghiệp Đồng Văn III, Duy Tiên. Ảnh: Hân Hân

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Năm 2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 4 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Malaysia và một số nước châu Âu như: Đức, Hà Lan, Hungary. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, trong năm qua, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với 7 đoàn doanh nghiệp, tổ chức từ Nhật Bản, Singapore, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam… Công tác thu hút đầu tư có nhiều triển vọng tốt đẹp trong thời gian tới bởi khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Hà Nam, các tổ chức, doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh, nhất là về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về giao thông, vị trí địa lý, nguồn nhân lực.

Tiếp tục phát huy lợi thế,  đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài

Theo kết quả khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ghi nhận, đánh giá cao tính năng động, tiên phong, sự nỗ lực hỗ trợ của chính quyền tỉnh, các sở, ngành chức năng và cho rằng, những kiến nghị, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư đều được lãnh đạo tỉnh tiếp thu, tháo gỡ kịp thời. Nhờ đó, tỉnh Hà Nam luôn đạt kết quả cao trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều năm liền, tỉnh nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư có thực lực và tiềm năng.

Cụ thể, trong 2 năm 2022-2023, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 99 dự án đầu tư mới (gồm 49 dự án FDI và 50 dự án trong nước) với tổng số vốn đăng ký là trên 620,8 triệu USD và trên 7.766 tỷ đồng. Năm 2023, các khu công nghiệp của tỉnh thu hút được 47 dự án đầu tư mới và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cho 32 dự án. Năm 2023, tỉnh cũng đã cấp mới 1 dự án hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn III phía đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng vốn đầu tư trên 2.320 tỷ đồng. Đến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh có 560 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 337 dự án FDI và 223 dự án trong nước.

Nhìn chung chất lượng, quy mô các dự án đều nâng lên, điển hình như dự án đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, cho thuê nhà kho, hệ thống nhà xưởng đa năng và các hạng mục phụ trợ của nhà đầu tư Insight Leitch Pte. Ltd (Singapore) với tổng vốn đầu tư 46,9 triệu USD; dự án sản xuất bảng mạch in cho LCD, notebook của nhà đầu tư Taiwan Printed Circuit Board Techvest Co.,Ltd (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD; dự án sản xuất, gia công nhôm bilet, thanh nhôm định hình, gia công kim loại, sản xuất, gia công bao bì các loại, sản xuất, gia công các sản phẩm đồ gia dụng của Công ty cổ phần Nhôm Trường Thành – Hà Nam với tổng vốn đầu tư 835 tỷ đồng; dự án sản xuất sợi nhân tạo từ hạt nhựa chíp và xơ polyester, sản xuất vải dệt kim từ xơ polyester của Công ty cổ phần Sợi dệt Vikowin với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; khi đi vào hoạt động ổn định, các dự án này sẽ có đóng góp tăng trưởng cao cho kinh tế của tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tận dụng các cơ hội, lợi thế để thu hút FDI vào ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp chế biến; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để thực hiện được điều đó, năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tập trung xúc tiến vào các thị trường lớn như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia. Phấn đấu thu hút được 40 dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp, bao gồm 25 dự án FDI và 15 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 450 triệu USD và 2.500 tỷ đồng. Cùng với đó, quan tâm nâng cấp hạ tầng giao thông tạo chuỗi liên kết trong kết nối logistics, thúc đẩy liên kết vùng; đẩy nhanh các dự án trọng điểm, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công; tích cực cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục đón các nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội cao vào các khu công nghiệp trên địa bàn.

Hà Nam đang mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút làn sóng FDI. Những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua chắc chắn sẽ là nền móng vững chắc để Hà Nam tiếp tục ghi dấu ấn trong thu hút FDI năm 2024 và trong giai đoạn tiếp theo. Với sự chủ động, linh hoạt trong công tác xúc tiến đầu tư cùng môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch, tin tưởng rằng, Hà Nam sẽ nắm bắt thời cơ, mở ra cơ hội hợp tác với nhiều nhà đầu tư trong nước, quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng: xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy