Đường nối hai đền Trần nằm trên địa bàn huyện Lý Nhân có chiều dài 14,6 km thuộc Dự án đường liên kết vùng trục đông tây tỉnh Hà Nam. Đây là dự án giao thông quan trọng, nhà thầu phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ cơ bản thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, trong thời gian này trên toàn tuyến việc bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vẫn còn nhiều điểm gặp khó khăn, vướng mắc.
Dự án đường liên kết vùng trục đông tây tỉnh Hà Nam có tên đầy đủ là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ (QL) 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử – văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định).
Dự án chia làm 2 tuyến gồm: Tuyến 1 dài 32km, kết nối QL1 theo đường 495B (giai đoạn 1) với đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, QL21A, QL21B, nối lên cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà; Tuyến 2 dài 14,6km kết nối hai đền Trần điểm đầu ở khu vực xã Trần Hưng Đạo, điểm cuối ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân). Dự án có tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025. Về quy mô tuyến đường nối hai đền Trần, có chiều dài 14,6 km, trong đó có 9,6 km, mặt cắt 68 m (gồm 22 m đường và rải phân cách…), còn lại 5 km có mặt cắt mặt đường 11 m.
Đến thời điểm này, nhà thầu đang tập trung 4 mũi thi công gồm: từ km0 đến km4; km4 đến km6 + 600; km6+600 – km10 + 800; km10 + 600 đến km 14 +600. Ba mũi thi công đầu đã cơ bản làm xong nền đường lớp K95, còn lại mũi 4 từ km10 + 600 đến km 14 +600 nhà thầu đang tiếp cận mặt đường.
Ông Hán Thành Công, Chỉ huy trưởng công trường thi công đường nối hai đền Trần (Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN.E&C) cho biết: Về cơ bản chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đến đâu nhà thầu thi công ngay đến đó. Tuy nhiên, hiện nay một số điểm đơn vị thi công chưa nhận được mặt bằng do phải giải phóng công trình nhà ở của dân. Đơn vị thi công đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Bởi khi nhận thi công nhiều điểm phải xử lý nền đất yếu mất 3-6 tháng, trong khi đó dự án lại phấn đấu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2024 và hoàn thành tuyến đầu năm 2025. Ngoài khó khăn về mặt bằng, dự án còn gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát để đắp nền do thiếu nguồn và giá cả tăng cao so với giá nhà nước quy định.
Ông Phạm Quang Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết: Quá trình thi công dự án này gặp rất nhiều khó khăn, phải nhiều lần điều chỉnh về quy mô cũng như tổng mức đầu tư. Hơn nữa, trên toàn tuyến hiện nay còn vướng mắc một số điểm cần nhanh chóng giải phóng mặt bằng ở khu vực xã Trần Hưng Đạo, xã Hòa Hậu (Lý Nhân). Hiện phần mặt bằng các địa phương đã bàn giao, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công và giá trị vốn giải ngân hoàn thành vượt kế hoạch. Trong thời gian tới, để phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2024, Ban Quản lý dự án phối hợp với các địa phương và nhà thầu tập trung giải phóng mặt bằng, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Các cấp chính quyền cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, để bàn giao cho nhà đầu tư.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu tỉnh Hà Nam là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035; trong đó việc “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ” là khâu đột phá, nhằm từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đối với việc hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án đường liên kết vùng trục đông tây tỉnh Hà Nam- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình; kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử – văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định) bằng đường bộ không chỉ giảm tải giao thông cho QL1A, QL 21, đường nối hai cao tốc khu vực Phủ Lý, Bình Lục, Lý Nhân mà còn nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Trần Thoan