Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số họp bàn “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số, ngành, lĩnh vực”

Chiều 30/8, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức hội nghị trực tuyến phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số, ngành, lĩnh vực”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) về Chuyển đổi số, Tổ công tác giúp việc BCĐ; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố…

Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số họp bàn “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành lĩnh vực”
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Theo báo cáo của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số (ICT)/GDP của cả nước hiện chiếm 14,29%. 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về tỷ trọng giá trị gia tăng kinh tế số trên tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bao gồm: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.

Hà Nam là địa phương xếp hạng 10 toàn quốc với ước tính tỷ trọng kinh tế số ICT/GRDP đạt 14,51%.

5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về mức độ lan tỏa kinh tế số ICT trong các ngành, hoạt động kinh tế khác: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế. Các ngành, lĩnh vực có mức độ lan tỏa kinh tế số ICT lớn nhất hiện nay bao gồm: hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (chiếm khoảng 28% kinh tế số ngành, lĩnh vực); hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc (chiếm khoảng 20,5% quy mô kinh tế số ngành, lĩnh vực); Giáo dục và đào tạo (chiếm khoảng 19% kinh tế số ngành, lĩnh vực); Bán buôn, bán lẻ (chiếm khoảng 17% kinh tế số ngành, lĩnh vực).

Theo Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra: mục tiêu vào năm 2025, ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số/GDP chiếm tối thiểu 20%, ước tính kinh tế số tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20% - 25%/năm.

Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương đã tham luận, chỉ ra các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số vừa qua; chia sẻ kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đó. Đồng thời chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp mà bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số họp bàn “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành lĩnh vực”
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Cụ thể: Xác định rõ kinh tế số là công cụ để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế với các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Phát triển kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực. Nền tảng số là cách tiếp cận đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Cách tiếp cận 4 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia (gồm: Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng; Bộ Thông tin và Truyền thông là cầu nối chia sẻ để doanh nghiệp tiếp cận được tới các bài toán; doanh nghiệp nền tảng; địa phương).

Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thúc đẩy hệ sinh thái các nền tảng. Nghiên cứu phương pháp để ước tính và đo lường các chỉ tiêu về kinh tế số. Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý của các nền tảng số. Thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương. Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu lớn vùng và một Trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan toả đến các địa phương trong vùng…

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy