Nhằm tạo hiệu quả đột phá trong hoạt động ứng dụng công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh, phân phối trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ngày 6/7/2023 Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1753/QĐ-BCT phê duyệt Đề án phát triển kinh tế số ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 (Quyết định số 1753). Tại Hà Nam, Sở Công thương cũng đã xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số ngành công thương Hà Nam giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương Hà Nam phát triển bền vững, tăng tính kết nối, liên kết vùng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, ngành công thương Hà Nam xác định, trước tiên cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách, pháp luật và các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, từng bước thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo hướng phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, điều hành, tác nghiệp và giao dịch sang môi trường số.
Với quan điểm đó, trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số ngành công thương Hà Nam giai đoạn đến năm 2030, Sở Công thương chú trọng công tác phối hợp với các đơn vị, cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn, phổ cập kỹ năng số trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; quan tâm hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả marketing và bán hàng trực tuyến thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn; triển khai chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao để hình thành các doanh nghiệp số; xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Hướng tới xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh, ngành công thương Hà Nam còn tăng cường công tác quản lý, giám sát tình hình thị trường hàng hóa, chống gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử; vận hành, khai thác hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm, dịch vụ của mình lên các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và Viettel Post (Postmart.vn; voso.vn); triển khai nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối, các công ty thương mại điện tử.
Ngoài ra, Sở Công thương còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp ngành công thương; thực hiện cập nhật các dữ liệu thông tin cụm công nghiệp, cập nhật thay đổi thông tin doanh nghiệp trên hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ; thực hiện có hiệu quả các đề án khuyến công hỗ trợ trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi về nội dung này, ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kinh tế số ngành công thương trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương Hà Nam đã xây dựng kế hoạch, giao trách nhiệm cho các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1753 của Bộ Công thương gắn với quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế số ngành công thương, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong ngành nhằm phát triển kinh tế số hiệu quả, bền vững.
Những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế số
Theo đánh giá của ngành chức năng, chương trình phát triển kinh tế số đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đến nay, hơn 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số; gần 2.800 doanh nghiệp sử dụng nền tảng số. Thông qua các đề án: Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam; đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đã hỗ trợ cho hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia và có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử, có tài khoản thanh toán điện tử. Riêng Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh, Voso.vn, Postmart.vn đã thu hút trên 1.000 hộ sản xuất trong tỉnh tham gia với hàng nghìn sản phẩm được đưa lên sàn. Thời điểm này, gần 99% số doanh nghiệp của tỉnh đã nộp thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; trên 50% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có website, trong đó khoảng 60% doanh nghiệp đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (Zalo, Facebook...) với khách hàng trên chính các nền tảng website đó và có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; gần 2.600 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng tên miền .vn.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành công thương Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số của ngành, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong ngành công thương đạt mức tối thiểu là 20%. Tỷ lệ người dân tham gia mua sắm trực tuyến đạt khoảng 70% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng thương mại điện tử phấn đấu đạt từ 80% trở lên. Doanh số bán lẻ thương mại điện tử tăng trưởng bình quân khoảng 25%/năm; tỷ trọng bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ phấn đấu đạt 20%.
Đến năm 2030, có 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; trên 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp ngành công thương sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện hoạt động chuyển đổi số cơ bản đạt 70%. Khoảng 80% người tiêu dùng, tổ chức cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh có thể tương tác toàn diện thông qua các hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 80% các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh ngành công thương trong tỉnh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Trên 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp thực hiện trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Từ nay đến năm 2030, Sở Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ khoảng trên 1.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối giao thương, xúc tiến thương mại; trên 10.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh được tham gia tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
Nguyễn Oanh