Thanh Liêm phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng

Để phát triển nguồn nhân lực số phục vụ công cuộc chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn, thời gian qua, huyện Thanh Liêm đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng. Tại các khu dân cư, thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng đang phát huy vai trò chủ chốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống, từ đó góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình CĐS tại địa phương.

Tháng 7/2022, xã Thanh Tâm đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn với tổng số 32 thành viên tham gia. Thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền, phổ biến đến người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CĐS; hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt định danh điện tử; cài đặt, sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt như Viettel Pay, VNPT Pay; cài đặt zalo, sổ theo dõi sức khoẻ điện tử, tra cứu và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn hộ kinh doanh đăng ký, sử dụng máy POS và mã QR để phục vụ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt…

Chị Phạm Thị Huyền Trang, chủ cửa hàng tạp hóa Trang Tuấn, thôn Chè Kho Làng (xã Thanh Tâm) chia sẻ: Trước đây, nhiều khách đến mua hàng yêu cầu được thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ hay quét mã QR nhưng khi đó tôi không biết cách đăng ký và sử dụng. Sau đó, vợ chồng tôi đã được các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng của xã và của thôn đến phổ biến, hướng dẫn đăng ký mã QR với ngân hàng và cài đặt các ứng dụng thanh toán trực tuyến trên điện thoại di động. Đến nay, tôi đã sử dụng thành thạo các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nên rất thuận tiện cho hoạt động mua bán. Ngoài ra, gia đình tôi và các hộ dân trong thôn còn được tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cách tra cứu và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, từ đó giảm bớt được thời gian, chi phí mỗi khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Hiện nay, cả 5/5 thôn trên địa bàn xã Thanh Tâm đều đang duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả tổ công nghệ số cộng đồng. Với phương châm hoạt động “Đi tận ngõ, gõ cửa từng nhà, hỗ trợ từng người dân”, các tổ đã giúp cho người dân thay đổi nhận thức, từng bước tiếp cận và hình thành thói quen sử dụng công nghệ trong công việc, đời sống hằng ngày, nhất là kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số trên điện thoại thông minh như phần mềm đọc báo miễn phí, thanh toán không dùng tiền mặt, định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, tham gia bán hàng trực tuyến, đăng tải sản phẩm bán hàng trên sàn thương mại điện tử...

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ công chức văn hóa xã Thanh Tâm, các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng đều là những người nhiệt tình, có trách nhiệm, được tập huấn, đào tạo khá bài bản về công nghệ số, CĐS và có kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số. Hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã góp phần đẩy nhanh tiến trình CĐS trên địa bàn. Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống “một cửa” điện tử; 100% văn bản đi, đến cơ quan được xử lý qua môi trường mạng. Trong năm 2023, xã tiếp nhận 1.028 hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến (đạt tỷ lệ 100%).

Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã Thanh Tâm, Thanh Liêm hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.Ảnh: Hân Hân

Cũng như xã Thanh Tâm, 16/16 xã và 101 thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện đã thành lập được tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số gần 600 thành viên tham gia. Thời gian qua, các tổ đã hoạt động tích cực, có đóng góp quan trọng vào việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo đánh giá của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Liêm, nhờ phát huy tốt mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng tại các khu vực dân cư, đến nay, người dân đã làm quen với khái niệm về CĐS, kinh tế số, xã hội số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống. Hoạt động của người dân trên môi trường mạng ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. Thống kê của huyện cho thấy, đến nay, tỷ lệ người dân có danh tính số, tài khoản định danh điện tử đạt 91%; tỷ lệ người dân biết kỹ năng công nghệ thông tin, đạt khoảng 60,3%; trên 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ CĐS đạt tỷ lệ 100%. Hiện nay, 100% các xã đã triển khai thông báo địa chỉ số đến các địa chỉ vật lý như hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, trường học với tổng số gần 40.000 địa chỉ (đạt 100%); 93% dân số trong huyện được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 97,6%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 64%; toàn huyện có gần 500 người dân đã đăng ký sử dụng chữ ký số cá nhân…

Có thể khẳng định, hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CĐS tại cơ sở, góp phần đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách, mọi gia đình, người dân. Để hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng đi vào thực chất, góp phần hoàn thành mục tiêu, đến hết năm 2024, huyện có 100% người dân trong độ tuổi lao động được tổ công nghệ số cộng đồng tập huấn, phổ biến kỹ năng về CĐS; 100% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang, trong thời gian tới, UBND huyện Thanh Liêm tiếp tục chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin, các xã, thị trấn, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức CĐS, kỹ năng số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, xã; hướng dẫn các tổ công nghệ số cộng đồng thành lập, duy trì hoạt động của nhóm zalo cộng đồng để tuyên truyền, trao đổi, hướng dẫn người dân thực hiện CĐS, sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, thương mại – dịch vụ…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy