Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Mặc dù thực tế quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng những kết quả, thành công bước đầu đạt được tại TTHTCĐ các phường, xã trên địa bàn thành phố Phủ Lý không chỉ chứng tỏ tiềm năng lớn, chứng minh sự đúng đắn về chủ trương chỉ đạo, tổ chức tiến hành chuyển đổi số mà còn tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Phủ Lý đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội dựa trên công nghệ số. Tạo dựng hệ sinh thái chuyển đổi số cho thành phố, đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, lấy người dân làm trung tâm để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số của thành phố đặt ra trong giai đoạn 2021- 2025 và đến năm 2030. Sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố”.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, năm 2022, Thành ủy, UBND thành phố Phủ Lý đã tổ chức hội thảo và ban hành Kế hoạch “Triển khai xây dựng thành phố Phủ Lý tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO”. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời mà trọng tâm là hoạt động của các TTHTCĐ phường, xã. Xuất phát từ thực tế ứng dụng chuyển đổi số và nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của học viên tại các TTHTCĐ, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý đã tham mưu UBND thành phố ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong hoạt động của các TTHTCĐ phường, xã. Trong đó, chú trọng thực hiện 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trước mắt, gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò của chuyển đổi số trong duy trì mọi hoạt động tại các TTHTCĐ phường, xã.
Tăng cường truyền thông về chuyển đổi số thông qua lễ khai giảng và khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời của các TTHTCĐ bằng những hình thức đa dạng, phù hợp với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực, hấp dẫn. Củng cố, nâng cao hạ tầng chuyển đổi số của TTHTCĐ các phường, xã theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế mỗi trung tâm và địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa để bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của các TTHTCĐ phường, xã, cử cán bộ, giáo viên, nhân viên các trung tâm tham gia những lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyển đổi số. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các TTHTCĐ phường, xã…
Từ khi triển khai thực hiện kế hoạch đến nay đã ghi nhận được một số kết quả thực tế rất tích cực. Theo đó, 100% các TTHTCĐ phường, xã đều có đủ máy tính, máy in phục vụ hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành, có mạng internet băng thông rộng, phát wifi, có phòng họp và thiết bị họp trực tuyến đầy đủ, thiết bị trình chiếu tại hội trường nhà văn hóa phường, xã để phục vụ công tác giảng dạy, học tập… đáp ứng yêu cầu về hạ tầng chuyển đổi số. Về nguồn nhân lực tham gia chuyển đổi số, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc kiêm nhiệm tại các TTHTCĐ phường, xã có chứng chỉ tin học theo quy định, sử dụng thành thạo các phần mềm, công cụ ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công việc. Các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn cũng đã chủ động phân công giáo viên tin học hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số đối với các TTHTCĐ phường, xã. Trong năm 2023, các cấp, ngành của thành phố Phủ Lý đã tổ chức 2 chuyên đề tập huấn về chuyển đổi số dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các TTHTCĐ phường, xã.
Bên cạnh bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và nhân lực phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, hoạt động tại TTHTCĐ các phường, xã cũng có sự chuyển biến rõ nét. Mỗi TTHTCĐ đều có trang thông tin điện tử (website) để thường xuyên đăng tải, cập nhật những thông tin có liên quan. Các website của các TTHTCĐ đều liên thông với website của Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập thành phố Phủ Lý. Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập thành phố Phủ Lý cũng đã xây dựng trang facebook, kênh youtube riêng (đều mang tên “Phủ Lý – Thành phố học tập”) để thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên mạng xã hội về những hoạt động xây dựng thành phố học tập, trong đó trọng tâm là hoạt động của các TTHTCĐ phường, xã. Các trang thư viện số, kho bài giảng cũng được thiết kế thống nhất, đồng bộ để cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên dễ dàng tiếp cận, tải lên chia sẻ, nhất là những cuốn sách, tài liệu hay (dạng đã số hóa), bài giảng hay theo từng lĩnh vực giúp học viên dễ dàng truy cập, tham khảo, tự học.
Từ khi triển khai thực hiện kế hoạch đến nay đã ghi nhận được một số kết quả thực tế rất tích cực. Theo đó, 100% các TTHTCĐ phường, xã đều có đủ máy tính, máy in phục vụ hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành, có mạng internet băng thông rộng, phát wifi, có phòng họp và thiết bị họp trực tuyến đầy đủ, thiết bị trình chiếu tại hội trường nhà văn hóa phường, xã để phục vụ công tác giảng dạy, học tập… đáp ứng yêu cầu về hạ tầng chuyển đổi số. Về nguồn nhân lực tham gia chuyển đổi số, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc kiêm nhiệm tại các TTHTCĐ phường, xã có chứng chỉ tin học theo quy định, sử dụng thành thạo các phần mềm, công cụ ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công việc.
Để đa dạng hóa hình thức học tập, UBND thành phố Phủ Lý cũng đã tổ chức một số cuộc thi, hội thi dành cho các TTHTCĐ có ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ, như: Thi “Tuyên truyền viên giỏi các TTHTCĐ” (tổ chức năm 2023), trong đó có phần thi video giới thiệu chuyên đề; thi thiết kế video giới thiệu “Tủ sách cộng đồng” (sẽ tổ chức trong năm 2024)… Các video sản phẩm dự thi đều được đăng tải rộng rãi trên website, trang facebook, kênh youtube của Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của thành phố Phủ Lý để theo dõi, tổng hợp số lượng lượt xem, lượt thích, lượt chia sẻ… làm cơ sở và coi là một trong những tiêu chí đánh giá giúp lan tỏa nhanh những sản phẩm dự thi tới cộng đồng.
Như vậy, có thể nói, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý đã rất chú trọng tham mưu, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các TTHTCĐ phường, xã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong thực hiện đổi mới, sáng tạo về hoạt động quản lý, điều hành cũng như giảng dạy và học tập. Để hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, xã hội số, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương ở thành phố Phủ Lý tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương chuyển đổi số, đa dạng nội dung giáo dục, đào tạo; đổi mới phương thức học tập gắn với tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập.
Nguyễn Khánh