Phần mềm kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân ngày càng phát triển và được sử dụng phổ biến thông qua các phần mềm trên điện thoại di động và máy tính. Thực tế này kéo theo nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo, bán hàng trên nền tảng trực tuyến. Theo đó, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả lĩnh vực ngành quản lý.
Thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên Cổng thông tin điện tử nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp với lực lượng chức năng kịp thời đưa tin, bài phản ánh tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thời gian qua, Sở cũng tích cực phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn các sai phạm gian lận, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm, quảng cáo; đặc biệt là phối hợp với Công an tỉnh tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, thường xuyên tiến hành khảo sát, nắm bắt hoạt động của các đại lý internet, hoạt động bưu chính chuyển phát; rà soát các cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm, thông tin xấu, độc qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử… Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thành lập được tổ công nghệ số cộng đồng các cấp, bảo đảm về thành phần và số lượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian qua, tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu; phổ biến kỹ năng về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cách thanh toán điện tử, giao dịch điện tử trên không gian mạng, tiếp thị sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; đồng thời hướng dẫn người dân nhận thức rõ những lợi ích và rủi ro trong việc mua hàng trực tuyến; thực hiện việc mua bán trên mạng với những địa chỉ uy tín, tin cậy. Song song với đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát thực hiện nghiêm việc vận chuyển hàng hóa đối với những đơn hàng phát sinh từ hoạt động mua bán trên nền tảng thương mại điện tử, chỉ thực hiện chuyển phát hàng từ những địa chỉ tin cậy và hàng hóa vận chuyển có trong danh mục cho phép.
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ thông tin truyền thông ngày càng được nâng lên. Qua đó, từng bước hạn chế các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực sở quản lý. Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đều bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm, bưu chính, kinh doanh sim thuê bao di động trả trước, cung cấp trò chơi điện tử; giải quyết đơn thư phản ánh liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi quảng cáo sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo sai sự thật trên môi trường mạng, quảng cáo rao vặt; phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác… Thách thức lớn nhất hiện nay là các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại có thể dễ dàng đăng hay gỡ bỏ bài quảng cáo bán hàng trên các phần mềm kinh doanh thương mại điện tử nên việc theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên tổ chức kiểm tra toàn diện đối với hoạt động quảng cáo bán hàng trên các nền tảng lớn như facebook, tiktok. Qua đó, đã phát hiện sai phạm và thực hiện gỡ bỏ gần 500 bài viết quảng cáo và trên 2.400 đường link quảng cáo các dịch vụ bất hợp pháp trên facebook; gỡ trên 600 video quảng cáo sai phạm và trên 2.000 bài quảng cáo về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên youtube… Tại địa bàn tỉnh, trong 7 tháng năm 2023, qua công tác phối hợp kiểm tra, Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện 5 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực ngành quản lý, xử phạt hành chính 34 triệu đồng. Điển hình gần đây nhất, Sở đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) rà soát, phát hiện 1 cơ sở in không thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thay đổi thông tin đã đăng ký đối với cơ sở in phải đăng ký hoạt động in, thu nộp ngân sách nhà nước 5 triệu đồng. Ngoài ra, sở còn tổ chức 1 cuộc kiểm tra các đại lý internet và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng hiện đang chờ kết quả kết luận.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông; phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng ngừa buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, hàng giả; tích cực rà soát thông tin trên mạng. Đặc biệt, sở phối hợp với các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê, xây dựng các biện pháp quản lý tài khoản bán hàng trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử…
Nguyễn Oanh