Kim Bảng thực hiện chuyển đổi số toàn diện

Huyện Kim Bảng đặt mục tiêu, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) đồng bộ, toàn diện trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần đưa huyện nằm trong nhóm có chỉ số cao về CĐS; hình thành, phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân... Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian qua, huyện Kim Bảng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để đẩy nhanh tiến trình CĐS trên các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Để CĐS thành công, huyện Kim Bảng xác định, trước tiên cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của CĐS đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương và hội nhập quốc tế.

Theo đó, thời gian qua, huyện Kim Bảng đã đẩy mạnh truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin; phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn thông tin trong cán bộ, công chức và cộng đồng xã hội; nâng cao trách nhiệm, hành động của từng cán bộ, đảng viên đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp có đủ năng lực và điều kiện tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động CĐS; tổ chức tập huấn, hướng dẫn đăng ký sử dụng chữ ký số cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nộp hồ sơ trực tuyến…

Tổ công nghệ số cộng đồng thị trấn Ba Sao, Kim Bảng triển khai kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn người dân đẩy mạnh sử dụng dịch vụ số. Ảnh: Hân Hân

Hằng năm, UBND huyện đều chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về tổ chức hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia; phát động, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức truy cập trang https://dx.gov.vn hoặc quét mã QR Code, vào chuyên trang CĐS quốc gia trên ứng dụng zalo, chọn “quan tâm” để theo dõi bài viết, chia sẻ những kiến thức, câu chuyện, mô hình hay về CĐS.

Đặc biệt, chỉ đạo Phòng Văn hoá và Thông tin; Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện; UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động trực quan về CĐS, tập trung tạo điểm nhấn tại tuyến đường trung tâm huyện và các xã, thị trấn. Huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tổ chức, hướng dẫn những thành viên tổ công nghệ số cộng đồng về nghiệp vụ CĐS, kỹ năng cài đặt một số phần mềm, nền tảng số để sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị triển khai chính quyền điện tử và CĐS trong cơ quan nhà nước.

Tại 100% các xã, thị trấn trong toàn huyện, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ quy hoạch nguồn lãnh đạo cũng đã tham gia các khóa tập huấn về CĐS theo hình thức học online trên nền tảng Onetouch. Đến nay, 18/18 xã, thị trấn của huyện Kim Bảng đã tổ chức các hội nghị thông tin, tuyên truyền về CĐS đến người dân, đồng thời hướng dẫn người dân cài đặt các phầm mềm phục vụ CĐS như VneID, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội…

Ông Phạm Việt Anh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kim Bảng khẳng định: Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về CĐS luôn được huyện Kim Bảng quan tâm chú trọng và thực hiện có hiệu quả thông qua nhiều hình thức như: phát tin, bài trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tổ chức tọa đàm, hội thảo, thông tin cổ động trực quan (căng treo pa nô, áp phích...) để tuyên truyền rộng rãi các kế hoạch, hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của huyện, nhất là nội dung tuyên truyền về cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06; vai trò, ý nghĩa của thẻ căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kết quả nổi bật trên các lĩnh vực

Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thời gian qua, huyện Kim Bảng đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động CĐS. Cụ thể, huyện đã thành lập, duy trì hoạt động của 18 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 95 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn (đạt tỷ lệ 100%). Hằng năm, huyện có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ CĐS; thực hiện rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực kinh tế số nhằm tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Những năm qua, huyện Kim Bảng cũng đã triển khai có hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, thường xuyên duy trì các cuộc họp từ xa giữa UBND huyện với UBND các xã, thị trấn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; triển khai thực hiện một số nền tảng số quan trọng dùng chung của tỉnh như hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; cổng thông tin điện tử; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; hệ thống thông tin báo cáo kinh tế - xã hội; trung tâm giám sát, an toàn thông tin mạng; trung tâm điều hành thông minh…

Ngoài ra, huyện Kim Bảng còn phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai nền tảng bản đồ số trên địa bàn huyện; duy trì hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính huyện Kim Bảng. Huyện cũng đã chỉ đạo tổ chức triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến và tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Kim Bảng thực hiện chuyển đổi số toàn diện
Đoàn viên thanh niên huyện Kim Bảng quét mã QR-Code để tìm hiểu về di tích lịch sử chùa Bà Đanh - núi Ngọc. Ảnh: HảI Yến

Kết quả, đến nay, hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối internet đã được phủ sóng đến 18/18 xã, thị trấn của huyện; hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh ở tất cả các lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch, thương mại, dịch vụ…; tỷ lệ gia đình có kết nối internet cố định và wifi đạt 82%; tỷ lệ phủ sóng 4G trên địa bàn đạt 98%; tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức, viên chức là 100%.

Đến nay, huyện Kim Bảng đã hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực giai đoạn 2020-2023; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp huyện đạt khoảng 83%, cấp xã, thị trấn đạt trên 96%; bảo đảm cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện, các cơ quan đã sử dụng chữ ký số để ký số trên văn bản điện tử; thực hiện kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng, chữ ký số từ xa để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. 100% số doanh nghiệp của huyện đã sử dụng hóa đơn điện tử; 99% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Hầu hết các sản phẩm nông sản của huyện được đăng lên các sàn thương mại điện tử của tỉnh Hà Nam và các sàn thương mại điện tử khác như Voso.vn, Postmart.vn…

Hoạt động của người dân trên môi trường mạng đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 86%; tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông ước tính là 50%.

Thông tin từ UBND huyện Kim Bảng cho thấy, thời điểm này, việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế đã triển khai, duy trì thực hiện tại 19/19 cơ sở khám chữa bệnh trong toàn huyện. Huyện cũng đã triển khai thí điểm lắp đặt 2 máy quét QR trên thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID kiểm soát ra vào tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao) nhằm bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu về tính năng, tác dụng của thẻ căn cước công dân và ứng dụng VneID.

Huyện cũng đã triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các bệnh viện trên địa bàn huyện, giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý hoạt động kinh doanh và gửi thông báo lưu trú đến cơ quan công an nhanh chóng, kịp thời, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự.

Để đẩy nhanh tiến trình CĐS, tiếp tục xây dựng, hình thành hạ tầng, nguồn nhân lực đầy đủ đáp ứng nhu cầu CĐS trên địa bàn, ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng nhấn mạnh: Năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện Kim Bảng sẽ đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành về CĐS một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước cấp huyện cũng như các xã, thị trấn; nâng cấp hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai tập trung đồng bộ các ứng dụng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát triển chính quyền số, xã hội số, kinh tế số; ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị;  đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng, CĐS trên địa bàn.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy