Hội thảo chuyển đổi số báo chí khu vực đồng bằng sông Hồng

Chiều 9/8, tại TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), Hội Nhà báo Hưng Yên tổ chức hội thảo khu vực với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra”.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tới dự.

Hội thảo chuyển đổi số báo chí khu vực đồng bằng sông Hồng
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá việc thực hiện đề án chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí địa phương dù đã có chuyển biến song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Không ít lãnh đạo đơn vị cho rằng chuyển đổi số là mua sắm máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ phục vụ hoạt động nghiệp vụ báo chí. Điều này đúng nhưng chưa đủ.

Hội thảo chuyển đổi số báo chí khu vực đồng bằng sông Hồng
Chủ tịch Hội Nhà báo Hưng Yên Nguyễn Công Đán phát biểu khai mạc hội thảo “Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra”.

Theo đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí phải thay đổi rất nhiều mà bắt đầu từ tư duy quản lý, quy trình hoạt động, công tác đào tạo, mua sắm trang thiết bị... Các cơ quan báo chí cần có cái nhìn xuyên suốt cho cả quy trình thay đổi này, đặt rõ lộ trình, mục tiêu, giải pháp thực hiện cho những năm tới cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Có rất nhiều khó khăn được đặt ra trong quá trình thực hiện, song trên hết là cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, niềm đam mê, sự tận tuỵ, cống hiến với nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên, phóng viên. Thường xuyên cập nhật các thể loại báo chí mới, mạnh dạn thử nghiệm, bởi hầu hết độc giả hiện nay đã và đang di chuyển lên hết các nền tảng số. Tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, dám làm, vừa làm vừa điều chỉnh, mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.

Đồng chí Lê Quốc Minh khuyến khích tổ chức Giải Báo chí đồng bằng sông Hồng. Đây sẽ là “sân chơi” bổ ích, thiết thực, giúp những người làm báo Đảng các địa phương rèn giũa năng lực chuyên môn trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển.

Đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự hội thảo về một số nội dung liên quan đến việc sử dụng các nền tảng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ báo chí hiện nay; vấn đề bản quyền và đạo đức nghề báo; xây dựng và sử dụng kho dữ liệu báo chí; đo lường về chất lượng cách thức vận hành của toà soạn; thu thập được dữ liệu người dùng; kinh tế báo chí…; đồng thời khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam luôn lắng nghe, sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan báo chí địa phương để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ hơn.

Hội thảo chuyển đổi số báo chí khu vực đồng bằng sông Hồng
Lãnh đạo nhiều Hội Nhà báo, cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố tích cực tham gia thảo luận về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.

Trong khuôn khổ hội thảo, lãnh đạo 9 cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố đã trình bày tham luận chia sẻ những thành quả bước đầu trong thực hiện công cuộc chuyển đổi số; nhận diện rõ những thuận lợi, khó khăn, đồng thời đề xuất kinh nghiệm, giải pháp nhằm tìm ra hướng đi mới cho công cuộc này.

Thực hiện đề án chuyển đổi số, thời gian qua các cơ quan báo chí trong khu vực không chỉ tập trung đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại mà còn tăng cường phối hợp mở các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ nhằm từng bước xây dựng đội ngũ người làm báo năng động, sáng tạo, bắt nhịp với xu thế phát triển của báo chí trong nước và quốc tế. Không ít cơ quan đã mạnh dạn sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, phần mềm Chat GPT với kho dữ liệu khổng lồ vào việc sáng tạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí mới.

Hội thảo chuyển đổi số báo chí khu vực đồng bằng sông Hồng
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí đã triển khai thực hiện các thể loại báo chí mới như Emagazine, Pocast, đồ hoạ… trên một nền tảng công nghệ số, kết hợp đăng tải lên nhiều trang mạng xã hội. Những thành quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số đã giúp các cơ quan báo chí địa phương tiếp cận, truyền tải thông tin nhanh, kịp thời tới công chúng; nội dung thông tin đa đạng, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn độc giả hơn. Các trang thông tin chính thống của các cơ quan báo chí địa phương trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok của một số đơn vị nhận được hàng trăm nghìn lượt thích, theo dõi; trong đó, Fanpage Báo Hải Dương trên Facebook đã được cấp tích xanh…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận công cuộc thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí địa phương hiện nay đang vấp phải không ít vướng mắc, khó khăn như: ngân sách nhà nước đầu tư cho các cơ quan báo chí còn eo hẹp; hệ thống công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới khó khăn trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu; tổng thể nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa có nhiều nhà báo giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết và đáp ứng yêu cầu làm báo đa phương tiện; một số phần mềm chưa hoàn thiện dẫn đến một số khâu vẫn phải thực hiện thủ công gây lãng phí nhân lực vào những công việc đơn giản, gây khó khăn trong công tác quản lý…

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy