Chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, gây thiệt hại về tài sản của người dân, bức xúc trong dư luận xã hội. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, mỗi người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn, chủ động bảo vệ chính mình để không trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo.

Tranh minh họa.

Gia tăng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Ngày 11/5/2024, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an huyện Thanh Liêm phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đấu tranh, triệt phá, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng. Theo đó, ngày 9/5/2024, nhận được đơn trình báo của anh N.V. H (trú tại Kiện Khê, Thanh Liêm) về việc bị lừa đảo qua mạng xã hội với số tiền hơn 5 triệu đồng. Xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Công an huyện Thanh Liêm đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và tinh thần tấn công trấn áp tội phạm, sau 24 giờ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Liêm đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lý Quang Đắc, Đỗ Quang Chuẩn (trú tại Gò Mái, Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại cơ quan công an, 2 đối tượng khai nhận: Do cần tiền tiêu xài cá nhân, Lý Quang Đắc, Đỗ Quang Chuẩn đã lập các tài khoản Facebook, Zalo ảo và sử dụng sim điện thoại “rác” đăng bài lên trang mạng xã hội với nội dung hỗ trợ vay vốn đơn giản, lãi suất thấp, giải ngân nhanh, không cần tài sản thế chấp để tìm kiếm người vay. Khi có người vay liên hệ, chúng đóng giả là nhân viên ngân hàng để tư vấn, hướng dẫn người vay làm hồ sơ và yêu cầu đóng các khoản phí, như: phí làm hồ sơ, bảo hiểm khoản vay… Bị phát hiện lừa đảo, các đối tượng sẽ chặn hết mọi liên lạc để chiếm đoạt tài sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, với thủ đoạn trên, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người dân với số tiền trên 700 triệu đồng.

Trước đó, ngày 8/1/2024, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh phối hợp với Công an thành phố Phủ Lý bắt giữ đối tượng Phạm Công Mạnh (trú tại Sơn Thanh, Sơn Hà, Phú Xuyên, Hà Nội) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại cơ quan công an, đối tượng Phạm Công Mạnh khai nhận: khoảng tháng 8/2023, Mạnh đã dùng mạng xã hội, sử dụng nick Facebook “Đơn giản” và cài đặt hình nền giả danh là cán bộ công an để kết bạn với nick Facebook “Lê Hương N” và tự giới thiệu là cán bộ Công an thành phố Hà Nội để tạo sự tin tưởng. Ngày 3/1/2024, khi chị “Lê Hương N” nhắn tin nói chuyện về việc liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật do Công an thành phố Phủ Lý đang thụ lý giải quyết, Mạnh giới thiệu có quen Công an thành phố Phủ Lý và có thể giúp “chạy án” với lời đề nghị “Lê Hương N” phải tạm ứng số tiền 5 triệu đồng, 1 điện thoại Iphone 14 Promax, sau đó ký vào đơn xin giảm nhẹ hình phạt do Mạnh viết. Ngày 4/1/2024, khi Mạnh đang nhận tiền để “chạy án” của chị “Lê Hương N” tại một quán café thuộc phường Lê Hồng Phong (Phủ Lý) thì bị cơ quan công an bắt quả tang.

Đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng bị lực lượng chức năng điều tra, phát hiện, bắt giữ. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh phối hợp với công an các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; đã điều tra, phát hiện 32 vụ, 123 đối tượng sử dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại tỉnh ta có xu hướng gia tăng về số vụ, phương thức lừa đảo tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, khiến người dân bức xúc, lo lắng. Hình thức lừa đảo gia tăng, chiêu thức lừa đảo tinh vi khiến người dân dễ bị “mắc bẫy” như: lừa đảo qua tuyển cộng tác viên bán hàng hưởng hoa hồng; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng; giả danh cán bộ cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên bán hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hack tài khoản qua mạng xã hội; kết bạn làm quen tặng quà qua mạng...

Điều đáng nói là sự phát triển của công nghệ thông tin, trong đó có công nghệ AI thay đổi giọng nói, cắt ghép âm thanh, công nghệ deepfake thay đổi khuôn mặt… cũng được các đối tượng lợi dụng để lừa đảo. Nhiều người, vì  tâm lý lo lắng, nhẹ dạ, cả tin đã trở thành những nạn nhân của lừa đảo với thiệt hại hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, tại một số địa phương trong tỉnh nổi lên thủ đoạn mạo danh cán bộ công an, trung tâm dịch vụ công, gọi điện liên hệ hướng dẫn cập nhật, đồng bộ tài khoản định danh điện tử mức độ 2, mức độ 3 để đánh cắp thông tin cá nhân.

Thủ đoạn của đối tượng là gọi điện cho người dân, tự xưng là cán bộ công an thông báo bị lỗi thông tin trên hệ thống dữ liệu, không cập nhật được dữ liệu: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội… hướng dẫn cập nhật thông tin cá nhân và đồng bộ hóa tài khoản mức độ 2, mức độ 3... Sau đó, chúng gửi đường link, hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm tài khoản VNeID giả mạo đã được đối tượng tạo ra để xâm nhập điện thoại di động, tiến hành theo dõi, thu thập, đánh cắp thông tin cá nhân. Tiếp theo, chúng truy cập các ứng dụng ngân hàng để chuyển tiền, chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của người dùng.

Gần đây còn xuất hiện thêm hình thức lừa đảo với thủ đoạn tinh vi hơn, như: tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi qua các trang mạng điện tử “app” vay tiền; quảng cáo, mua bán ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cấm; lừa đảo mua bán số lô tô, số đề; mua bán chia sẻ giả mạo thông tin sai sự thật với nhiều đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Thượng tá Lê Đức Tùng, Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh cho biết: Tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Do đó, công tác xác minh, đấu tranh, triệt xóa gặp không ít khó khăn. Thực trạng trên bắt nguồn từ những nguyên nhân như: nhận thức và sự am hiểu về công nghệ của quần chúng nhân dân còn hạn chế. Cùng với đó, tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác và tâm lý hám lời nên một số người đã bị các đối tượng tội phạm lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối tượng phạm tội là người có trình độ cao trong sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và chỉ liên lạc với nhau qua môi trường không gian mạng, mọi thông tin về tên tuổi, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng đều giả; đối tượng chiếm đoạt tài sản thường thông qua nhiều tài khoản ngân hàng, nhiều đối tượng trung gian... nên việc xác định trách nhiệm của các bên trung gian cũng rất khó khăn. Tình hình sim “rác”, đăng ký thông tin thuê bao không chính chủ còn nhiều nên việc xác định thông tin đối tượng phạm tội qua thông tin đăng ký thuê bao thường không hiệu quả...

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian tới, ngành chức năng trong tỉnh xác định tiếp tục nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chỉ đạo, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng không gian mạng mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; thường xuyên cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần thận trọng, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân khi đăng ký tham gia. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu, dẫn dụ của đối tượng, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ tín dụng… Trước những thông tin có dấu hiệu nghi ngờ phải thông báo với lực lượng công an nơi gần nhất để chủ động phòng ngừa, đấu tranh.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy