UBND tỉnh tiếp tục thảo luận các nội dung trình HĐND tỉnh

Sáng 8/11, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức hội nghị thảo luận các nội dung trình tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 (Kỳ họp thứ 11) HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin liên quan

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự, chủ trì hội nghị theo hình thức trực tuyến. Dự hội nghị có các đồng chí: Đặng Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố. 

UBND tỉnh tiếp tục thảo luận các nội dung trình HĐND tỉnh
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, Sở Tài chính đã báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2023; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn dự toán ngân sách tỉnh Hà Nam và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế đặc thù về điều tiết nguồn thu sử dụng đất (từ các dự án có thu tiền sử dụng đất) cho ngân sách cấp tỉnh để tạo nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh tiếp tục thảo luận các nội dung trình HĐND tỉnh
Lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2022 tại hội nghị.

Theo tổng hợp của Sở Tài chính, trong năm 2022 toàn tỉnh ước thu cân đối ngân sách từ kinh tế trên địa bàn được 15.176 tỷ đồng, đạt 107% so với dự toán Trung ương giao, đạt 106 % so với dự toán địa phương phấn đấu, trong đó thu nội địa 11.335 tỷ đồng, đạt 108% so với dự toán Trung ương giao, đạt 107% so với dự toán địa phương phấn đấu; thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.795 tỷ đồng.

Để có kết quả thu ngân sách trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tăng nhanh tỷ trọng thu nội địa trong cơ cấu nguồn thu.

Các ngành tập trung rà soát lại các thủ tục hành chính, tham mưu cho cấp trên, cắt giảm những thủ tục còn rườm rà, chồng chéo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; công khai minh bạch, cập nhật các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Về chi ngân sách, ước thực hiện năm 2022 là hơn 12.469 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách địa phương hơn 12.447 tỷ đồng, chi phản ánh qua ngân sách hơn 267 tỷ đồng. Công tác quản lý điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở ước thực hiện hoàn thành dự toán thu NSNN, để hoàn thành nhiệm vụ chi theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm kinh phí phòng chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Năm 2023, tỉnh xây dựng dự toán thu NSNN hơn 16.657 tỷ đồng, trong đó thu cân đối NSNN 13.026 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.900 tỷ đồng; thu bổ sung từ ngân sách trung ương hơn 3.631 tỷ đồng. Về chi ngân sách năm 2023, dự toán tổng chi hơn 14.505 tỷ đồng, bao gồm chi ngân sách địa phương hơn 14.484 tỷ đồng; chi trả nợ gốc vốn vay hơn 20 tỷ đồng.

UBND tỉnh tiếp tục thảo luận các nội dung trình HĐND tỉnh
Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Năm 2023 xác định là một năm khó khăn, khi thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn dẫn tới nguồn thu cân đối ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành được kế hoạch đề ra, các ngành và địa phương thảo luận, xây dựng kế hoạch thu phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Đối với khai thác khoáng sản, và chế biến vật liệu xây dựng từ đá, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất bán, tăng cường sử dụng và áp dụng hóa đơn điện tử hiệu quả. Sở Tài nguyên Môi trường tính toán thuê các doanh nghiệp về đo đạc mỏ, nắm bắt kịp thời sản lượng đá các doanh nghiệp đã khai thác để nâng cao hiệu quả nguồn thu ngân sách. Các ngành và điạ phương phối hợp tập trung giải phóng mặt bằng các dự án để nhanh chóng bàn giao cho nhà đầu tư, nâng cao hiệu quản nguồn thu từ đất. Quan điểm của tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính vào hoạt động, để nâng cao nguồn thu ngân sách. Về chi ngân sách, năm 2023 sẽ tiếp tục tiết kiệm chi, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, kém hiệu quả.

UBND tỉnh thảo luận các nội dung trình HĐND tỉnh

UBND tỉnh thảo luận các nội dung trình HĐND tỉnh

Chiều 7/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận các nội dung trình tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 (Kỳ họp thứ 11) HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy