UBND tỉnh thảo luận dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy và các nội dung trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2021

Ngày 26/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy và các nội dung trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2021.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đại diện các huyện, thị xã và thành phố. 

UBND tỉnh thảo luận dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy và các nội dung trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2021
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Buổi sáng, UBND tỉnh đã nghe Sở Nội vụ trình dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021 – 2025.

UBND tỉnh thảo luận dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy và các nội dung trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2021
Các đại biểu dự hội nghị

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử được phát triển đồng bộ. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành dùng chung được triển khai tới các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh cũng đã được kết nối liên thông với trục liên thông quốc gia và tích hợp chữ ký số, giúp UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi được luồng xử lý văn bản giữa các cơ quan; bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, trung ương, tạo thuận lợi trong việc ký số văn bản điện tử.

Đến nay, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã ứng dụng phần mềm vào chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn hằng ngày, đồng thời gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. 

Việc xây dựng Nghị quyết trong giai đoạn 2021 – 2025, với quan điểm: Cải cách hành chính phải lấy người dân làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Các nội dung cải cách hành chính phải tiến hành đồng bộ, thống nhất có trọng tâm, trọng điểm; Ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số trong quá trình cải cách hành chính.

Mục tiêu, giai đoạn 2021 – 2025: Giữ vững các chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, Cải cách hành chính (PARINDEX) của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có thứ hạng cao trên toàn quốc.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các ngành và địa phương đã nêu ra một số vấn đề: Muốn cải cách hành chính hiệu quả phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ, kiên quyết xử lý những cán bộ nhũng nhiễu người dân; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính; trong giải quyết công việc đối với từng ngành, từng lĩnh vực phải có tổng kết đánh giá, đưa ra những giải pháp khắc phục tồn tại.

Phát biểu kết luận nội dung trên, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Muốn cải cách hành chính hiệu quả, trọng tâm phải là con người. Con người có trình độ, có đạo đức, có trách nhiệm, tác phong nhanh nhẹn, chuẩn mực, thì công việc sẽ tốt. Về quy trình giải quyết phải đơn giản, ngắn gọn, không chồng chéo. Tiếp đến phải có dữ liệu chuẩn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Để giải quyết vấn đề này, các ngành và địa phương phải quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ; trang bị thiết bị máy móc phục vụ cho công tác cán bộ. Đối với một số vị trí làm việc ở nhóm ngành nhạy cảm, như cán bộ quản lý đất đai ở cấp phường, xã cần luân chuyển theo quy định, nhằm khắc phục những hạn chế và chống móc nối tiêu cực.

Cũng tại hội nghị UBND tỉnh đã nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tờ trình và dự thảo Nghị quyết về kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.  Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư của trung ương giai đoạn này dự kiến là 14.318.228 triệu đồng; nguồn vốn của địa phương dự kiến là 18.213.638 triệu đồng, tăng hơn 3.894.410 triệu đồng do dự kiến nguồn thu từ sử dụng đất tăng so với trung ương giao. Trong số nguồn vốn địa phương thì tỉnh quản lý 9.739,599 tỷ đồng; cấp huyện, xã quản lý 8.474 tỷ đồng. 

Cho ý kiến  nội dung trên, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các ngành và địa phương phải xác định dự án nào quan trọng làm trước. Quan điểm của tỉnh, ưu tiên đầu tư các công trình giao thông, đặc biệt là những dự án giao thông quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Trong quá trình thi công các dự án giao thông có thể giải phóng mặt bằng trước, sau đó thi công theo từng giai đoạn để không gây lãng phí nguồn vốn. Đối với công trình thủy lợi, quan tâm thi công hệ thống tiêu thoát nước cho khu công nghiệp, thoát nước tiêu úng khu vực sản xuất nông nghiệp.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy