Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế, Hà Nam có 135.437 người có công (NCC) với cách mạng, trong đó có 17.555 liệt sỹ, trên 23.000 thương, bệnh binh, 1.418 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tri ân những hy sinh, công lao to lớn của các thương binh, liệt sỹ và NCC, những năm qua, Hà Nam luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc NCC, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), ở khắp mọi miền đất nước, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức thiết thực, sâu rộng. Những dòng người, dòng xe từ khắp mọi miền trở về Thành cổ Quảng Trị, Điện Biên Phủ (Điện Biên), Vị Xuyên (Hà Giang)… để thắp nén hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Từ những mẹ già, những cựu chiến binh đến các em nhỏ có mặt trong dòng người ấy đều mang theo niềm xúc động tự hào, bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ, những thương binh, bệnh binh cho hòa bình độc lập, tự do của đất nước.
Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh không giấu được cảm xúc khi đứng trước Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, nghe chị Cáp Thị Thiên Trang, Ban Quản lý di tích giới thiệu bằng giọng Quảng Trị trầm buồn, tha thiết: Đài tưởng niệm được mô hình hoá thành nấm mộ chung. Ngôi mộ tập thể được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn những người đã khuất… Tất cả đoàn cán bộ, viên chức Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nam rơi lệ, với nhiều cảm xúc khó diễn tả thành lời. Chuyến công tác tại Quảng Trị đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ trở nên ý nghĩa khi đoàn đến thắp hương, viếng Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9.
Ngược về Điện Biên Phủ, Hà Giang…, đoàn cán bộ lãnh đạo huyện Bình Lục đã mang theo tình cảm trân trọng, biết ơn sâu sắc. Trong số hơn 17.000 liệt sỹ của Hà Nam, có quá nửa là liệt sỹ thời kỳ chống Pháp. Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hàng nghìn người con Hà Nam vĩnh viễn nằm xuống nơi đây. Hành trình của sự cống hiến, hy sinh vĩ đại làm cho đất nước nở hoa, nhưng cũng tạo nên nỗi đau thương vô bờ. Ông Bùi Văn Việt, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Bình Lục chia sẻ: “Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam nói chung, Bình Lục nói riêng không bao giờ quên những cống hiến hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh, NCC… Bằng nhiều hoạt động thiết thực của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thời gian qua đã thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những đóng góp, hy sinh của NCC. Đặc biệt các hoạt động, hành trình về các địa chỉ đỏ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giáo dục truyền thống cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Trong kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 của tỉnh, cùng với việc tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm, viếng Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị); tổ chức tiếp nhận bàn giao đưa vào sử dụng khu làm lễ tri ân liệt sỹ của tỉnh tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn; tổ chức thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh vào 20h, ngày 26/7/2022…, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” còn tập trung vào hoạt động chăm lo đời sống cho các thương binh, gia đình liệt sỹ và NCC. Tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và NCC. Tổ chức thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà tri ân và biểu dương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, NCC.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, cải tạo, sửa chữa và xây dựng nhà tình nghĩa cho những hộ gia đình NCC với cách mạng có khó khăn về nhà ở, trên cơ sở huy động các nguồn lực của địa phương, nguồn xã hội hóa. Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cũng nhân dịp này, nhiều địa phương đã tổ chức tu sửa, tôn tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ, vận động các tổ chức cá nhân nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tổ chức tốt việc điều dưỡng NCC bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, đúng chế độ nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần NCC với cách mạng.
Theo Sở LĐ-TB&XH, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, Hà Nam đã dành hơn 17 tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà các đối tượng NCC từ tỉnh đến cơ sở. Các địa phương tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Trong những năm qua, Hà Nam luôn quan tâm dành nguồn lực để thực hiện chính sách ưu đãi NCC. Chính sách của Đảng và Nhà nước với NCC ngày càng được hoàn thiện, mở rộng đối tượng nên đời sống NCC trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên. Đặc biệt thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, NCC vẫn là đối tượng được quan tâm, chăm lo hàng đầu. 109/109 xã, phường, thị trấn của tỉnh đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ.
Dù vậy, trong cuộc sống, nhiều gia đình NCC vẫn gặp khó khăn do đối tượng ngày một tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, ngành LĐ-TB&XH luôn chủ động nắm bắt tình hình, thực hiện tốt công tác tham mưu, giải quyết chính sách NCC. Mỗi cán bộ, viên chức trong ngành luôn hiểu rõ trách nhiệm công vụ, thực hiện tốt các chính sách với NCC bằng tình cảm trân trọng, sẻ chia, trách nhiệm để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thương binh, liệt sỹ và NCC.
Giang Nam