Sáng 6/6, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình phối hợp số 09, ngày 1/8/2013 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” giai đoạn 2013-2023.
Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Thị Ngân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Trần Xuân Dưỡng,Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng chống tội phạm, TNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội các huyện, thị xã, thành phố.
Dự thảo báo cáo và các tham luận tại hội nghị nêu rõ: Qua 10 năm thực hiện, Chương trình phối hợp 09 luôn có sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Lực lượng Công an, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ trên các mặt công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), đổi mới phương thức tổ chức tập hợp nhân dân một cách đa dạng phong phú, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố tình đoàn kết xóm thôn, phố phường, đoàn kết tôn giáo, tham gia xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, công nhân, các tầng lớp nhân dân được tăng cường. Công tác tổ chức phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, bài trừ tai TNXH được đẩy mạnh, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh, tạo được thế trận an ninh vững chắc ở từng cơ sở.
10 năm qua (2013-2023), toàn tỉnh xây dựng mới và duy trì thực hiện 83 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; trong đó 8 mô hình triển khai thực hiện Chương trình phối hợp 09; 6 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ" được xây dựng điểm từ cấp cơ sở sau đó triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; 2 mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, nhiệm vụ chính trị địa phương được Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận, tặng bằng khen và chỉ đạo nhân rộng toàn quốc.
Trong 10 năm, Công an tỉnh đã tổ chức mở 30 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm ANTT, triệt phá trên 400 ổ nhóm tội phạm hình sự, triệt phá 56 đường dây vận chuyển ma túy về Hà Nam tiêu thụ, triệt xóa 590 tụ điểm, điểm mua bán ma túy, phát hiện, xử lý 917 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý 826 vụ, 829 trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều tra làm rõ hàng nghìn vụ phạm tội về trật tự xã hội. Tổ chức bắt, vận động đầu thú 257 đối tượng có lệnh truy nã, lập hồ sơ đề nghị đưa 273 người vào cơ sở giáo dục bắt buộc; 35 người vào trường giáo dưỡng, 1.078 hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đến nay, Công an tỉnh đã bố trí công an chính quy tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn. Hằng năm, toàn tỉnh có trên 95% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, 90% cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Xuân Dưỡng,Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng chống tội phạm, TNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh ghi nhận, biểu dương những thành tích mà các cấp, ngành, lực lượng vũ trang, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đoàn thể đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các bên tiếp tục ký kết, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp số 09 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”. Trong đó, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với MTTQ và các đoàn thể trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến Công an và cán bộ mặt trận các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong việc bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Tiếp tục đổi mới, phương pháp tiếp cận, xây dựng, phát triển phong trào đảm bảo phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong từng thời kỳ cách mạng; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động BCĐ phòng, chống tội phạm, TNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác phát huy quyền làm chủ, nêu cao trách nhiệm tự quản, tự bảo vệ... nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý, cảm hóa người lầm lỗi và đối tượng tại cộng đồng dân cư.
Lực lượng công an cần thường xuyên thông báo, trao đổi thông tin với MTTQ và tổ chức thành viên về tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, chủ trương về công tác đảm bảo ANTT, mục tiêu, yêu cầu của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tiếp tục làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên, khích lệ những điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp xây dựng, thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng MTTQ và các tổ chức thành viên trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, thể hiện là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Nhân dịp này, 20 tập thể, 23 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện chương trình phối hợp số 09 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” giai đoạn 2013- 2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen./.
Trần Ích